Xi măng, thép đồng loạt tăng giá
49 sản phẩm lọt Top 1 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích / Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 38,75 tỷ USD, tăng hơn 13%
Thời điểm cuối tháng 10, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại khu vực miền Trung và miền Nam liên tục thông báo điều chỉnh giá bán.
Theo đó, từ ngày 21/10, Công ty TNHH Thương mại Xi măng Công Thanh thông báo tăng thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả các sản phẩm. Các doanh nghiệp như Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Hà Tiên, Xi măng Luks Ninh Thuận Việt Nam cũng điều chỉnh tăng giá các loại thêm 80.000 đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), từ cuối tháng 10, giá xi măng đã được đồng loạt điều chỉnh tăng từ 80.000 đến 100.000 đồng/tấn.
Sở dĩ có sự điều chỉnh tăng giá này là do giá nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là nhiên liệu nhập khẩu như than, tăng cao. Cụ thể, nếu như trước đây, giá than nhập khẩu chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tấn thì nay tăng lên trên 5 triệu đồng/tấn, trong khi giá than trong nước cũng tăng nhẹ từ 1,8-2 triệu đồng/tấn lên khoảng 2,7 triệu đồng/tấn.
Sự điều chỉnh tăng giá này của các doanh nghiệp sản xuất xi măng chỉ là giải pháp tình thế nhằm giảm bớt khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao chứ không đem lại hiệu quả kinh tế.
Giá xi măng liên tục tăng giá. Ảnh Internet.
Đối với thị trường thép, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mức tăng giá bán vào khoảng 17.000-192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg.
Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg; thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.
Hồi đầu năm 2021, giá thép tăng cao so với năm 2020 buộc các bộ ngành chức năng phải vào cuộc kiểm tra và tìm biện pháp bình ổn giá. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm nhưng đến nay lại bước vào đợt tăng mới. Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng vào thời điểm này.
Theo số liệu từ VNCA, tại thị trường nội địa trong quý 3/2021 xi măng đã giảm sâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, các công trình, dự án lớn bị đóng băng. Quý 4, dự báo tiêu thụ xi măng nội địa sẽ hồi phục mạnh sau 3 tháng sụt giảm sâu, ngành xi măng kỳ vọng có thể vượt mốc tiêu thụ 100 triệu tấn.
Cụ thể, tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước chỉ đạt 11,77 triệu tấn, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ 3,96 triệu tấn, giảm 20,8% so với cùng kỳ và chỉ bằng 71,5% so với kế hoạch.
Tiêu thụ và giá giảm sâu khiến kết quả sản xuất - kinh doanh quý 3/2021 của hầu hết các doanh nghiệp ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn trong quý 3, Công ty đạt doanh thu 657,3 tỷ đồng, giảm 14,5% so với quý 3/2020; lợi nhuận âm 7,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty vẫn lãi 25 tỷ đồng, nhưng giảm gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp xi măng lớn phía Nam là Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1 chịu tổn thất nặng nề nhất ở đợt dịch này. Tiêu thụ xi măng trong quý 3/2021 giảm 55% so với cùng kỳ, nên doanh thu thuần của Công ty giảm 48%, còn gần 1,039 tỷ đồng; lỗ sau thuế gần 20 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 148 tỷ đồng).
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo, tiêu thụ xi măng trong nước sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh từng bước được khống chế, hoạt động xây dựng phục hồi và các công trường xây dựng được hoạt động trở lại. Xuất khẩu cũng rất thuận lợi do Trung Quốc gia tăng nhập khẩu nhiều loại vật liệu, trong đó có xi măng, clinker, sắt thép, tạo thêm đầu ra trong những tháng cuối năm cho ngành sản xuất này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo