Thị trường

Xu hướng lãi suất năm 2022 ra sao?

Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định đang là thách thức đối với cơ quan điều hành.

Năm 2022, Thế Giới Di Động tham vọng mở 200 cửa hàng TopZone trên cả nước / Thị trường du lịch Tết Nguyên đán khả quan hơn khi TP Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh

Hết năm 2021, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ngân hàng lớn đã hạ lãi suất cho vay 4 lần. Với thị phần chiếm tới gần một nửa thị trường tín dụng trong nước, hầu hết các mức lãi suất cả huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng đều nhìn vào việc các ngân hàng lớn ấn định mức lãi suất thế nào.

"Nếu tính cả 3 chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ đầu năm 2021 đến giờ và chương trình giảm lãi suất khác của Vietcombank, tổng lợi nhuận Vietcombank giảm để hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng lên tới 7.000 tỷ đồng", Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Tuy nhiên, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang gặp phải áp lực, đó là lạm phát. Không những vậy, sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, cộng thêm nhu cầu tín dụng tăng, đang là những sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất.

Xu hướng lãi suất năm 2022 ra sao? - Ảnh 1.

Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định cũng sẽ tạo tâm lý an tâm lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Nếu chúng ta giảm lãi suất quá thấp, tôi e rằng nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền sang kênh đầu tư khác, như vậy sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, đánh giá.

Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định đang là thách thức đối với cơ quan điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu này.

"Chúng tôi tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Chúng tôi sẽ bám sát vào chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 vẫn là khoảng 4%, do vậy mặt bằng lãi suất cũng sẽ xoay quanh mốc tham chiếu này. Dù có không ít áp lực, nhưng việc duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định cũng sẽ tạo tâm lý an tâm lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp hoạch định các phương án sản xuất kinh doanh của mình trước thềm năm mới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm