Thị trường

Xuất khẩu gạo thương hiệu Việt: Tăng cường liên kết chuỗi

Việc xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt sang thị trường EU như cách làm mới đây của CTCP Trung An nên được khuyến khích và nhân rộng. Và để làm được điều đó thì rất cần liên kết chuỗi chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

Ngành chế biến trước ‘bài toán’ hàng tồn kho / Mỗi tháng ngành thủy sản phải xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mới đạt mục tiêu cả năm 10 tỷ USD

Câu chuyện CTCP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) mới đây lần đầu tiên xuất khẩu (XK) 3 container gạo chất lượng cao sang thị trường Pháp bằng nhãn mác của “Trung An Rice” trên bao bì, đang cho thấy những triển vọng của DN này trong việc XK gạo mang thương hiệu Việt.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Sau quá trình đàm phán đầy gian nan để XK gạo mang thương hiệu của DN Việt vào thị trường EU, như chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, điều quan trọng là làm sao để thương hiệu đó đi vào lòng người tiêu dùng ở thị trường mà mình XK. Nhất là thói quen tiêu dùng được ưa chuộng của các quốc gia phát triển trên thế giới là việc tiêu thụ gạo cao cấp có thương hiệu.

Gạo chất lượng cao, có thương hiệu của Việt Nam sẽ thu hút các nhà thu mua quốc tế

Gạo chất lượng cao, có thương hiệu của Việt Nam sẽ thu hút các nhà thu mua quốc tế

Trong vấn đề về XK gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt đảm bảo có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, ông Bình đặc biệt nhấn mạnh đến việc liên kết chuỗi giữa DN với nông dân, hợp tác xã (HTX). Mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, HTX và DN sẽ giúp chất lượng nguyên liệu đầu vào luôn được đảm bảo, từ đó tạo tiền đề cho sản phẩm đầu ra.

Theo đó, DN đặt hàng để nông dân, HTX sản xuất lúa. Rồi tiếp đến, DN hướng dẫn quy trình canh tác sản xuất, bao tiêu thu mua lúa tươi, chịu trách nhiệm vận chuyển, sấy lúa, đầu tư máy xay xát chế biến, lau bóng, tách màu, đóng gói…Và DN chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo.

Và các vụ mùa tiếp theo của các năm sau cũng vậy, không có con đường nào khác tốt hơn quy trình tại mô hình nêu trên.

Việc liên kết chuỗi để xây dựng thương hiệu gạo Việt giữa DN với HTX, nông dân cũng là vấn đề trọng tâm được nêu ra tại buổi triển khai chương trình liên kết phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới tại tỉnh An Giang vào ngày 16/7 với sự tham gia chủ lực của CTCP Tập đoàn Lộc Trời với quyết tâm đưa gạo Việt có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn ra thị trường thế giới.

 

Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới được DN này nghiên cứu, phát triển và thực hành từ ba năm gần đây, được biết đến với tên là “3 Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Mô hình này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa DN với các HTX trong chuỗi liên kết bằng những sản phẩm gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và XK.

Thông qua sự liên kết với các HTX, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết phía DN sẽ thực hiện đề án phát triển thương hiệu gạo An Giang, thực hiện các hoạt động quảng bá đồng bộ để đây là các thương hiệu đại diện cho gạo Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới.

Cần được nhân rộng

Theo ông Thòn, phía DN sẽ cam kết đầu tư mạnh mẽ cho các HTX kiểu mới tại An Giang với các nguồn lực mà DN đã tích lũy qua nhiều năm. Đó là nguồn lực về tài chính, về con người, nguồn lực về các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất cho cây trồng, nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất nông nghiệp.

Và nhất là các nguồn lực về nghiên cứu và phát triển, để xây dựng các quy trình canh tác và giải pháp quản lý mùa vụ phù hợp với xu hướng nông nghiệp số hóa. Đặc biệt là nguồn lực xây dựng thị trường ổn định cho nông sản, đồng hành và hỗ trợ giải quyết khó khăn lớn nhất với phần lớn các HTX trồng lúa.

 

“Những hộ nông dân khi tham gia vào các HTX kiểu mới này sẽ nhận được hỗ trợ thiết thực. Đó là lựa chọn sản phẩm đầu vào để có vụ mùa tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu thị trường, hỗ trợ tài chính suốt mùa vụ, tư vấn quy trình canh tác đạt chuẩn để tiết kiệm chi phí, kiểm soát dư lượng vi chất theo các tiêu chuẩn của từng thị trường tiêu thụ”, ông Thòn nói.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam hiện có hơn 200 DN có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường XK còn rất hạn chế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Và việc làm thương hiệu gạo không có nghĩa là để XK gạo được nhiều hơn mà là để XK với giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, DN, HTX và nông dân trồng lúa.

Do đó, việc XK gạo mang thương hiệu Việt sang thị trường EU như cách làm của CTCP Trung An rất cần được khuyến khích và nhân rộng. Và để làm được điều đó thì rất cần liên kết chuỗi giữa DN với nông dân, HTX nông nghiệp kiểu mới.

Được biết cách đây 5 năm, trong đề án phát triển thương hiệu gạo Việt đến năm 2020 là phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam. Rồi đến năm 2030 phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo XK là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

 

Mục tiêu này đến nay vẫn cho thấy sự cần thiết nhằm tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo. Như lưu ý của chuyên gia nghiên cứu thương mại Phạm Nguyên Minh, điều quan trọng là làm sao để việc xây dựng thương hiệu gạo Việt đi vào thực tế cuộc sống của nông dân, của DN và tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị gạo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm