Xuất khẩu mang lại lợi ích cho nhiều địa phương tại Việt Nam
Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu đối mặt chi phí tăng cao / Đề nghị EU và Trung Quốc làm rõ tiêu chí về nông sản Việt xuất khẩu
Trong Top 20 tỉnh thành tốt nhất Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2016 đến 2021 đã tăng hơn gấp đôi nhưng lại tập trung chủ yếu ở 5 tỉnh thành cấp 2 chứ không phải những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Đây là một dấu hiệu cho thấy đầu tư công nghiệp đang vươn xa hơn chứ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Trong 5 tỉnh kể trên có Hà Nam - nơi có nhà cung cấp Seoul Semiconductor của Tập đoàn Apple và Bắc Giang - một điểm nóng sản xuất cho Tập đoàn Samsung.
Nhu cầu kho bãi bùng nổ
Các dây chuyền sản xuất máy tính MacBook, máy giặt, tấm pin mặt trời và các mặt hàng xuất khẩu khác đang chuyển sang Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu đối với các khu công nghiệp. Nhưng các yếu tố trong nước cũng đang góp phần thúc đẩy sự hình thành của các nhà xưởng, kho bãi. Sự bùng nổ ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây thúc đẩy nhu cầu về kho hàng, trong khi đó việc nhiều công nhân rời các thành phố lớn sau đại dịch COVID-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà máy chuyển về vùng nông thôn.
Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield cho biết nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tăng 53,8% trong năm nay so với năm 2018 ở các tỉnh lân cận Hà Nội và TP HCM.
Bà Trần Hoài Phương - Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của công ty đầu tư mạo hiểm Wavemaker - cho biết các nhà đầu tư đang sẵn sàng đổ tiền để xây dựng nhà xưởng cho thuê.
Bà cho biết Việt Nam có “một lượng lớn các nhà cung cấp kho bãi” để phục vụ nhu cầu thương mại điện tử cũng như nhu cầu của các khách hàng khác. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều dịch vụ hậu cần hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu.
Nhiều năm qua, các nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Những người đầu tiên thường đặt cơ sở tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM. Nhưng khi các khu công nghiệp đã được lấp đầy, những người mới đến có hai lựa chọn khác: di chuyển ra xa hơn hoặc thuê nhà kho và nhà xưởng xây sẵn từ các công ty khác.
Ông Nông Tử Lâm - Giám đốc điều hành Wareflex, công ty được ví như Airbnb trong lĩnh vực kho bãi - cho biết rằng trong khi nhiều doanh nghiệp muốn tiếp tục xây dựng cơ sở lưu trữ của riêng họ, ngày càng nhiều người khác lựa chọn hình thức thuê. Việc xây dựng tốn kém, trong khi người thuê có thể tiết kiệm tiền nếu hàng tồn kho biến động và họ chỉ trả tiền cho việc lưu kho khi cần thiết.
“Xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều nhà cung cấp kho chuyên nghiệp đến Việt Nam và các nhà cung cấp trong nước đang cải thiện” - ông Nông Tử Lâm nói.
Khi các nhà sản xuất đến Việt Nam, các tập đoàn, công ty xây dựng và hậu cần khổng lồ sẽ theo sau - từ ALP của Đài Loan (Trung Quốc) đến Kajima của Nhật Bản. Hai tập đoàn này vừa đồng khởi động một dự án trị giá 421 triệu USD để xây dựng các nhà máy và nhà kho theo yêu cầu trên khắp Việt Nam.
Tháng 10/2021,Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt nhằm chống dịch, tạo điều kiện cho người lao động trở về quê nhà tại các vùng nông thông an toàn. Lực lượng lao động tại nông thôn này hiện đang là mục tiêu được những nhà sản xuất giành giật tuyển dụng. Ví dụ, nhà cung cấp hàng may mặc Walmart và Primark tại Nhà Bè đã chuyển hoạt động sang Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam khi những người lao động về quê khiến việc thuê công nhân ở TP HCM trở nên khó khăn hơn.
Nhưng một yếu tố đóng góp lớn hơn cho sự bùng nổ công nghiệp là mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. Theo một báo cáo chung của Google, Temasek và Bain, tăng trưởng trong ngành này đã đạt mức 53% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021. Để lưu trữ và xử lý hàng hóa được đặt trên các ứng dụng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada, các kho hàng đang mọc lên khắp Việt Nam với nguồn cung tăng khoảng 25% mỗi năm trong giai đoạn từ 2018 đến 2020 - theo Mirae Asset.
Vì sao các tỉnh thành cấp 2 thu hút những nhà đầu tư?
Bà Lê Thị Huyền Trang - Trưởng nhóm nghiên cứu của JLL Việt Nam - cho biết các địa điểm thường được lựa chọn sẽ nằm cách TP HCM và Hà Nội khoảng 30 km.
Bà Lê Thị Huyền Trang cho biết trên Nikkei Asia: “Đầu tư lớn đang dần chuyển sang các khu công nghiệp ở các tỉnh thành cấp 2 do giá đất cạnh tranh, ưu đãi thuế và lực lượng lao động địa phương. Do quỹ đất khan hiếm, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng xây sẵn cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở các tỉnh thành cấp 2”.
Tất cả các cơ sở mới sẽ cần được kết nối với đường xá và cảng biển. Nhà kinh tế Brian Lee Shun Rong của Ngân hàng Maybank cho biết Việt Nam phải tăng cường hạ tầng kết nối logistic nếu muốn tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu.
“Việc cơ sở hạ tầng sẽ không thể theo kịp nhu cầu công nghiệp hóa sẽ dẫn đến những tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung” - ông Brian Lee Shun Rong kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương