Kinh doanh

ĐBSCL là vựa lúa nhưng chưa có quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trọng điểm cho xuất khẩu

DNVN - Xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều khó khăn về logistics, trong đó, khu vực được coi là vựa lúa gạo hiện chưa có quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trọng điểm cho xuất khẩu gạo.

Chi phí logistics vẫn ở mức cao, xuất nhập khẩu chịu thiệt / Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Doanh nghiệp logistics bị hạn chế về “sân chơi”

Theo bà Đỗ Thu Hường- Phó giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn về logistics, trong đó đặc biệt liên quan đến tính thời vụ trong xuất khẩu gạo và các hạn chế về cơ sở hạ tầng, logistics.

Hoạt động xuất khẩu gạo phụ thuộc vào khí hậu, đơn hàng. Vào mùa cao điểm xuất khẩu, nhu cầu vận chuyển vượt quá cung và hoạt động xuất khẩu gạo thiếu nhiều thứ (thiếu booking, chỗ trên tàu, container rỗng).

Về cơ sở hạ tầng và logistics: Có tới 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL qua các cảng cửa ngõ TP Hồ Chí Minh và Cái Mép. Tỷ lệ km đường cao tốc ở ĐBSCL thấp nhất so với cả nước (chiếm 3,44%); đường thủy chưa khả thi đón tàu feeder. Đặc biệt, khu vực được coi là vựa lúa gạo hiện chưa có quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trọng điểm cho xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn về logistics.

Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa, trong khi tỷ lệ này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6% giá trị hàng hóa. Chi phí logistics chiếm 30% giá thành nông sản ở ĐBSCL.

Khuyến nghị giải pháp tăng hiệu quả logistics trong xuất khẩu gạo, bà Hường cho rằng khu vực ĐBSCL cần phát triển cơ sở hạ tầng logistics; hoàn thiện cơ sở giao thông. Trong đó, cần hoàn thiện các tuyến cao tốc Bến Lức - TP Hồ Chí Minh- Long Thành; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và giải quyết các điểm thắt về an toàn giao thông đường thủy.

“Cảng vụ Hàng hải cần xem xét việc sà lan được chạy Cửa Tiêu/ Định An ra thẳng Cái Mép. Chính quyền địa phương cần có cơ chế chính sách tốt thu hút các nhà đầu tư phát triển về chuỗi cung ứng hậu cần logistics, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất quy hoạch trung tâm logistics của vùng”, bà Hường đề xuất.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm