Thị trường

Xuất khẩu nông sản bằng đường sắt: Giải pháp tối ưu

Lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn và phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp triển khai thí điểm việc thông quan hàng nông sản qua cặp Cửa khẩu đường sắt ga quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây). Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất, cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay.

Gạo Việt có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang Senegal / EVFTA: Thị trường mới chờ doanh nghiệp nỗ lực

Toa xe hàng chở nông sản tại ga Đồng Đăng.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu, thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hiện nay chỉ đạt mức tương đương khoảng 40% so với trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phụ khó khăn do tác động từ dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trao đổi, đàm phán với phía tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, lần đầu tiên hai bên đang phối hợp triển khai thí điểm việc thông quan hàng nông sản qua cặp Cửa khẩu đường sắt ga quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây).

Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay, trong đó có những mặt hàng hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu…

Việc xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng, sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh COVID-19, do không phải tổ chức cách ly các tài xế (xe ôtô), chủ hàng… khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về, số lượng người tham gia quy trình xuất khẩu nông sản ít nên giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có). Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vận chuyển và một số chi phí khác so với việc đi theo cửa khẩu đường bộ, thời gian thông quan nhanh hơn vì thủ tục được giải quyết ngay từ trong nội địa.

Tuy nhiên, do mới triển khai nên hiện tại phía Việt Nam chưa có toa tàu chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển thanh long xuất khẩu, đang phải sử dụng toa tàu đông lạnh của Trung Quốc. Nếu có đủ toa xe đông lạnh phục vụ, các doanh nghiệp có thể vận chuyển nông sản, trái cây từ phía Nam ra Lạng Sơn bằng đường bộ, sau đó đưa lên tàu xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu đường sắt Ga quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây) - Đồng Đăng (Lạng Sơn), thị xã Bằng Tường cũng đã cho triển khai xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm hàng hóa Ga Bằng Tường, dự kiến 3 tháng nữa hoàn thành, khi đó toàn bộ 8 mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong danh mục được Trung Quốc chấp thuận đều có thể đi qua tuyến đường sắt, năng lực thông quan hàng hóa sẽ lớn hơn.

Về phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện doanh nghiệp này cho biết, dịch COVID-19 khiến Tổng Công ty phải huỷ bỏ khoảng 80 chuyến tàu khách, tàu hàng cũng bị hạn chế, khiến doanh thu sụt giảm khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng hiện nay đó là ngành đường sắt đã thực hiện thử nghiệm chạy tàu hàng liên vận chở thanh long qua cửa khẩu, thực hiện kiểm dịch tại ga cửa khẩu quốc tế Bằng Tường, mở đường cho xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt các mặt hàng nông sản Việt Nam đang là điểm sáng.

Theo thống kê của hải quan Lạng Sơn, từ ngày 19 - 27/2 đã có 33 toa thanh long tươi với trọng lượng khoảng 660 tấn được thông quan.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm