Xuất khẩu thủy sản: Sẽ gặp khó ở Trung Quốc, thuận lợi ở Mỹ
5 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 3,2 tỷ USD / Xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm tăng gần 20%
Việc Mỹ tăng thuế đối với thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Do đó, các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc sẽ quay trở lại phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là mặt hàng cá rô phi. Điều này có thể tác động đến nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường tiêu thụ và giá sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do từ đầu năm 2019 đến nay thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung tôm từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan... đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Từ tháng 6, nguồn cung tôm cung cấp ra thị trường toàn cầu sẽ tăng mạnh do các nước sản xuất lớn vào vụ thu hoạch như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Do đó, giá tôm sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Mới đây, Trung Quốc phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu vào thị trường này. Trong đó bao gồm nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam như: tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tra, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, bạch tuộc...
Đây được xem vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp các sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam cạnh tranh hơn về giá so với các đối thủ. Tuy nhiên, Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam, ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Hiện Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với trang thiết bị hiện đại, có năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của nước phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản, EU.... Theo kế hoạch, từ ngày 1/10, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, đóng - ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ngoài ra, đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
"NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của Việt Nam đồng (VNĐ) trước USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa nhân dân tệ so với VNĐ là rất lớn. Nói cách khác, giá trị của VNĐ so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản nhận định.
Một số lượng đáng kể doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản xuất khẩu nói chung, và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực. Bởi, chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.
Ảnh: Trí Thức Trẻ.
Trong khi đó, quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump vẫn mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này. Để bù đắp nguồn cung giá cao từ Trung Quốc (do bị tăng thuế), doanh nghiệp Mỹ buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế để đối phó với tình trạng giá thủy sản tại Mỹ tăng. Việt Nam có thể là một lựa chọn tiềm năng, đặc biệt là khi Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13, với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Đối với cá tra, Bộ Thương mại Mỹ hồi cuối tháng 4 công bố mức thuế chống bán phá giá chính thức đối với cá tra Việt Nam trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14. Mặc dù Hùng Vương và 5 công ty xuất khẩu thủy sản khác đều chịu mức thuế cao, nhưng thuế đối với Biển Đông và Vĩnh Hoàn chỉ 0,19 USD/kg và 0 USD/kg. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, với kết quả như vậy, Vĩnh Hoàn và Biển Đông vẫn sẽ khai thác tốt thị trường Mỹ. Việc chỉ còn hai doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu vào Mỹ vừa giúp cải thiện tình trạng bán phá giá tại thị trường này vừa giúp giữ giá nguyên liệu tại thị trường trong nước không bị xuống thấp.
Giá tôm, cá tra nguyên liệu giảm vì cung tăng, cầu thấp
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản giảm 1,82% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, lần lượt đạt 748,2 nghìn tấn và 3,17 tỷ USD, Bộ Công Thương ước tính.
Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tháng giảm 2.000 - 3.500 đồng so với cuối tháng 4, xuống còn 21.000 - 21.900 đồng/kg đối với cá tra thịt trắng và 22.000 - 23.000 đồng/kg với cá tra thịt hồng. Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống không nhiều, khiến giá giống (loại 30 con/kg) giảm xuống 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chủ yếu tập trung thu hoạch, chế biến cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu trong dân trong bối cảnh chưa ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn cung cá nguyên liệu tại các hộ nuôi khá dồi dào, một số hộ bắt đầu chào bán ra nhiều.
Tương tự, thị trường tôm nguyên liệu tháng 5 không có nhiều biến động với tôm sú, và có xu hướng giảm đối với tôm thẻ chân trắng do nguồn cung tăng. Theo Tổng cục Thủy sản, 5 tháng đầu năm 2019 diện tích thả nuôi tôm cả nước tăng 0,5% và đạt trên 634.200 ha, với sản lượng thu hoạch đạt 211.800 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ