Thị trường

Giải pháp để nông sản xuất khẩu bền vững

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường, để nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trong đó có hải sản, thủy sản, không còn cách nào khác phải tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể từng nhóm ngành hàng...

Làn sóng khởi nghiệp đang là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế / Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm mang về 1,21 tỷ USD

Trong phiên chất vấn sáng 06/6, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho biết: Thời gian qua sóng gió xuất khẩu thủy sản không thể không nhắc đến việc thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ và bộ, ngành đã rất nỗ lực nên Ủy ban châu Âu đã rút thẻ vàng và đưa ra khuyến nghị cần khắc phục. Đây là tiếng chuông báo động để nước ta nhìn lại và có giải pháp thiết thực hơn đối với sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của nước ta.
Qua đó, đại biểu đoàn An Giang đặt câu hỏi trước Quốc hội rằng: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có cảnh báo và giải pháp gì để giúp các sản phẩm nông, thủy sản nước ta đủ điều kiện xuất khẩu bền vững trong thời gian tới trong bối cảnh thắt chặt hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao?
Với câu hỏi này, dưới sự điều hành của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường được yêu cầu trả lời.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời chất vấn. (Ảnh: VPQH)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời chất vấn. (Ảnh: VPQH)

Theo người đứng đầu Bộ NN & PTNT: Đến giờ phút này, thủy sản Việt Nam xuất khẩu, kể cả nhóm khai thác và nhóm nuôi trồng xuất khẩu, ngày một tăng. Năm nay cán đích trên 9 tỷ đồng, đây là nhóm nông sản chúng ta đang có lợi thế. Tuy nhiên, EU đưa ra thẻ vàng đối với Việt Nam về IUU. Đây là một định chế pháp luật của họ để làm sao ngăn cấm hoạt động khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy cách và không đúng quy ước của họ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Những khuyến nghị của EU là hoàn toàn phù hợp với chúng ta để tái cơ cấu lại ngành hải sản theo hướng phát triển bền vững và có trách nhiệm hơn.
Sau ngày 23/10/2017 EU khuyến nghị như vậy, chúng ta đã tập trung các nhóm giải pháp, đặc biệt là nhóm thuộc chức năng của Quốc hội đã được chúng ta phê và chuyển thông qua Luật Thủy sản mới. Chính phủ đã chỉ đạo và hiện đã ban hành được các văn bản theo luật bao gồm 2 nghị định, 8 thông tư.
Ngoài ra, 28 tỉnh duyên hải cùng các cấp chính quyền vào cuộc tuyên truyền ngư dân, tuyên truyền các thành phần kinh tế tham gia khai thác biển đến thời điểm này có một điểm mừng. Đó là các vi phạm về khai thác cá của Việt Nam ở các khu vực quốc đảo Thái Bình Dương hai năm gần đây không còn xảy ra nữa. Australia và các nước xung quanh cũng đều thừa nhận vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, còn một phần sai phạm, đó là các khu vực biển phía Nam, về khách quan có phần chồng lấn, về chủ quan thì một số ngư dân còn vi phạm kể cả trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời gian tới, để triển khai tiếp tục chương trình xuất khẩu hải sản nói chung bền vững phải tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU, để góp phần xây dựng nghề cá bền vững.
"Quan trọng hơn là hướng nuôi trồng của chúng ra hiện nay đang phát triển rất tốt. Năm vừa qua, xuất khẩu trên 4 tỷ đồng. Kỳ này phải tập trung tái cơ cấu sâu rộng hơn, tạo nên khối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tổ chức chế biến và cho đến thương mại. Vấn đề này chúng ta phải làm tốt hơn. Ngoài ra, phải tập trung nuôi trồng ở phía biển", ông Nguyễn Xuân Cường nêu.
Vừa qua, trong chuyến đi của Thủ tướng, Na Uy đã cam kết chính thức với chúng ta hợp tác chiến lược về phát triển nuôi trên biển, nhưng nuôi xa, kết hợp yếu tố khoa học công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững.
Để nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trong đó có hải sản, thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT nhấn mạnh, không còn cách nào khác phải tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể từng nhóm ngành hàng. Ở nhóm ngành hàng thủy sản này, kể cả người dân, doanh nghiệp, kể cả công tác quản lý nhà nước đòi hỏi phải tập trung hơn. Có như vậy mới thúc đẩy nông nghiệp phát triển, trong đó có xuất khẩu hải sản.
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm