Xuất khẩu thủy sản suy giảm
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10/2019 ước đạt 834 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng lên 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản 10 tháng ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng qua, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở thị Trung Quốc, với tăng trưởng 14,2% về giá trị.
Xuất khẩu tôm chờ khởi sắc cuối năm
Xét về chủng loại thủy sản xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019, tôm chiếm 38,9% tổng kim ngạch; cá tra chiếm 23,4%; cá ngừ chiếm 8,7%; và nhuyễn thể chiếm 8,0%. So với cùng kỳ năm 2018, tôm, cá tra, và nhuyễn thể đã giảm kim ngạch lần lượt 7,1%, 8,5%, và 7,7%, trong khi cá ngừ đã tăng kim ngạch lên 15,4%.
Các thị trường xuất khẩu tôm các loại lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ chiếm 19,6%, Nhật Bản chiếm 18,3% và Trung Quốc 12,8%. Về cá tra xuất khẩu, thị trường tiêu thụ lớn nhất là: Trung Quốc chiếm 28,7%, Mỹ chiếm 14,3% và Mexico chiếm 4,8%.
Về cá ngừ, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (44,2%), Israel (5,8%) và Thái Lan (4,2%). Đối với mặt hàng nhuyễn thể, thị trường xuất khẩu lớn nhất là: Hàn Quốc chiếm 39,4%, Nhật Bản chiếm 25,2%, Thái Lan chiếm 8,9%.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá tôm nguyên liệu trong nước vào tháng 10/2019 có xu hướng nhích lên với tôm sú và giảm với tôm thẻ chân trắng do sự đối lập nguồn cung. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng lên trong các tháng cuối năm sẽ giúp cho xuất khẩu tôm của nước ta khởi sắc trong những tháng tới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, "Do dịp Tết Âm lịch sắp tới (diễn ra vào tháng 1/2020), nên nhu cầu nhập khẩu tôm để phục vụ lễ Tết ở Trung Quốc sẽ tăng cao. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc".
Ngành cá tra đón cả tin vui và tin buồn
Trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu long trong tháng 10/2019 tiếp tục xu hướng giảm do tốc độ cung tăng nhanh hơn cầu. Giá bán buôn dao động trong khoảng 20.000-20.500 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại dao động 19.000-19.500 đồng/kg, mức giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước. Các công ty chủ yếu ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá.
Trong nhiều năm gần đây, nuôi cá tra đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ đang trở nên ưa chuộng sản phẩm cá tra sau khi thưởng thức sản phẩm này được nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia tại "Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo nuôi trồng thủy sản", sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8% lên 630.000 tấn vào năm 2020.
"Về mặt hàng cá tra, sang đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thể gặp khó khăn khi có thêm đối thủ cạnh tranh mới là Ấn Độ, do đó việc duy trì mối quan hệ giao thương đối với các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ và Mexico dự báo sẽ là các thị trường quan trọng của Việt Nam, cần phải có kế hoạch để xúc tiến và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này", ông Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo.
Trong một diễn biến khác, ngày 1/11/2019, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ hơn một năm trước, vào tháng 9/2018, FSIS cũng đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ.
Hành động đề xuất này dựa trên việc FSIS đã xem xét luật, quy định và hệ thống kiểm tra của Việt Nam và đã xác định rằng hệ thống kiểm tra cá Siluriformes của Việt Nam tương đương với hệ thống kiểm tra, giám sát của Hoa Kỳ theo Đạo luật Thanh tra sản phẩm thịt Liên bang (FMIA) và các quy định thực thi liên quan.
Theo đề xuất, chỉ các sản phẩm cá và cá Siluriformes nguyên liệu được sản xuất tại các cơ sở được chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tất cả các sản phẩm này sẽ được kiểm tra lại tại các cơ sở kiểm định của FSIS tại Mỹ.
"Việc Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh 9 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm sâu đến 43,6% so với cùng kỳ năm trước", Vasep nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cá cược bóng đá phi pháp làm thất thoát hàng tỷ USD
Đội bay Emirates đón chiếc A350-900 đầu tiên
Hè 2025, Cebu Pacific sẽ nâng tần suất đường bay Manila – Đà Nẵng lên 2 chuyến/ngày
Mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang ở cấp độ thấp
Hỗ trợ du khách quốc tế thanh toán online thuận tiện tại Việt Nam
Nhiều nước muốn gia nhập CPTPP