Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD
DNVN - Với tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống / Độc đáo các sản phẩm tại Festival làng nghề Việt Nam 2022
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, liên tục trong những tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt hoặc thặng dư rất thấp. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2022 trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ngày càng tăng. Nếu như 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 742 triệu USD thì sau 7 tháng, mức xuất siêu là 1,1 tỷ USD, 8 tháng xuất siêu 3,9 tỷ USD, 9 tháng xuất siêu 7,1 tỷ USD vào sau 10 tháng thì xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD. Xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,2 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì xuất siêu góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Mười tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,3 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,4 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%. Trong 10 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, các sản phẩm điện tử, nhất là điện thoại di động, góp phần lớn nhất vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 10 tháng năm 2022, nhóm hàng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 46,6 tỷ USD, tăng 14%. Việt Nam đang mở rộng chuỗi cung ứng, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, thay vì chỉ lắp ráp điện thoại di động như trước đây.
Ngành dệt may, giày dép, vốn cần nhiều lao động, cũng đang có xu hướng khởi sắc. Trong những tháng đã qua của năm 2022, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp may mặc, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt, may trong 10 tháng ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 21,9%. Nhóm hàng giày dép ước đạt 20 tỷ USD, tăng mạnh 40,9%.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cũng đã nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng trong năm 2022. Tính đến hết tháng 10/2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước đạt 303,4 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 105,3 tỷ USD, tăng 12,5%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,1 tỷ USD, tăng 12%.
Trong 10 tháng năm 2022 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 70,5 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 17,7 tỷ USD, tăng 5,2%.
Tổng cục Thống kê cho rằng, có được kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua là do Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế. Do đó tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tính đến hết tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 616,2 tỷ USD. Như vậy chỉ còn hơn 50 tỷ USD nữa là bằng số của cả năm 2021, đồng thời xuất siêu ghi nhận 9,4 tỷ USD, với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA. Một số mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu phải kể đến như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép… Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thị trường truyền thống được khai thác triệt để và mở thêm các thị trường mới.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm 74,3%). Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Ví dụ như mặt hàng rau quả, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Dù xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, nhưng do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống.
Do đó, từ nay đến cuối năm 2022, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Với tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo