Thị trường

Thiếu tiền mới phải tái cơ cấu đầu tư công?

Tại Hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 7/11, đa số các ý kiến tham luận đều cho rằng tái cơ cấu đầu tư công dù có kết quả bước đầu nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

Việc tăng đầu tư công cộng với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân chính làm tăng nợ Chính phủ. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chậm chạp do thiếu đủ thứ?

Hiệu quả đầu tư nói chung đã được cải thiện. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7%GDP)…

TS Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định tái cơ cấu đầu tư công đã diễn ra đúng hướng, đem lại kết quả bước đầu “có thể nhận thấy được”. Phạm vi, tính dàn trải trong đầu tư công cũng có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư trong nhiều năm đã bộc lộ khuynh hướng không lành mạnh, theo tư duy tăng trưởng bằng mọi giá, mà tập trung nhất là chỉ tiêu đầu tư chiếm hơn 40%GDP, nhưng chỉ đạt tăng trưởng khoảng 7%/năm và sau đó ngày càng thấp hơn, chỉ đạt dưới 6%/năm.

Cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu đầu tư công. Ngay các công trình quan trọng trong 10 năm nữa xử lý thế nào cũng chưa được xử lý toàn diện. Thực ra ở đây có nguyên nhân khách quan về thể chế. Trong mấy năm đã phải điều chỉnh ngay do tính cấp bách, phần nào “chữa cháy” và ra nhiều văn bản để điều hành việc tổ chức lại, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, khi chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ như luật đầu tư công, luật tổ chức chính quyền địa phương.

Nhìn từ góc độ thể chế, TS Đinh Trọng Thắng – Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương) đưa ra nguyên nhân đầu tư sử dụng vốn nhà nước là không có chủ đầu tư “đích thực”, với những vấn đề nghiêm trọng về “chủ sở hữu – người đại diện trong đầu tư công”.

Hơn thế nữa, tính chất của đầu tư công thể hiện rất rõ như quy mô lớn, có sự liên quan tới nhiều cấp phê duyệt, trách nhiệm giải trình thấp, cộng với tính phức tạp của công trình khiến những vấn đề như bội chi, thi công không đúng thời hạn dễ có lý do biện hộ và đặc biệt khó có tổ chức quản lý thống nhất về các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước do hoạt động đầu tư liên quan tới nhiều ngành nghề, chuyên môn khác nhau.

Trong thực tế, tình trạng phân cấp đến khoán trắng nên dù ban đầu có khoảng 50% được phân về địa phương, kết hợp với ủy quyền có thể còn lên thêm, nhưng các địa phương lại sử dụng với ưu tiến khác của quốc gia, nên việc thực hiện mục tiêu đã bị lệch đi (?). Chất lượng điều chỉnh chưa cao, một phần vì mới có Luật Đầu tư công. Mặt khác cân đối đầu tư trung hạn, nhưng toàn bộ tài chính công thì vẫn làm từng năm.

Gỡ nút thắt từ việc xử lý nợ công

Theo số liệu TS.Lê Hải Mơ cung cấp, tỷ trọng dư nợ công/GDP trong thời gian qua liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể, tổng số nợ công năm 2011 bằng 50% GDP, các năm 2012, 2013 lần lượt là 50,8% GDP, 54,2% GDP. Dự kiến năm 2014 là 60,3% GDP. So với các nước, tỷ lệ nợ công là tương đối cao.

Với mức thâm hụt 5,3% năm 2014, 5% năm 2015 thì dự báo tổng số nợ công/GDP năm 2015 là 64,5% GDP. Nếu tính cả 85.000 tỷ trái phiếu thì mức thâm hụt lên tới 7%. Nợ Chính phủ trong nước (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) chiếm 48,8% và nợ Chính phủ ngoài nước (ODA, vay ưu đãi) chiếm 51,2% mà đa số các nguồn này là để đầu tư vào cơ sở hạ tầng (nội dung quan trọng trong đầu tư công).

 Do đó, việc tăng đầu tư công cộng với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân chính làm tăng nợ Chính phủ. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nợ công có thể tăng mạnh khi áp lực đầu tư công lớn, nhất là vào các lĩnh vực không mang lại hiệu quả.

Cho rằng cân đối nợ công đã thành gay gắt chứ không còn đơn giản, TS Lê Hải Mơ đặc biệt nhấn mạnh tới hậu quả của chính sách, vì thế để giải quyết được thì phải quay trở lại gốc rễ vấn đề. Chìa khóa ở đây chính là thực hiện giới hạn ngân sách cứng về thâm hụt ngân sách nhà nước, kỷ luật chặt chẽ để đưa đầu tư công giảm xuống mức 9-10% trước năm 2020, 5-7% năm 2025.

Các biện pháp trực tiếp giảm quy mô nợ công sẽ bao gồm: Khống chế mức độ thâm hụt ngân sách cứng theo tỷ lệ tương ứng (4-4-3-2%) vào năm 2020; điều chỉnh nợ công thông qua việc giảm, tiến tới bỏ hẳn bảo lãnh cho doanh nghiệp, địa phương, vay để lại trước năm 2020; phát triển thị trường trái phiếu chính phủ dài hạn (10-15 năm) với lãi suất thấp để giảm sự lệ thuộc vào vốn vay bên ngoài…

Cùng với việc triển khai Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp cần công khai hóa chương trình và thời hạn rút vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần đầu tư công, kể cả các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả để trả lại các lĩnh vực cho khu vực phi Nhà nước.

GS.TS Nguyễn Quang Thái cũng đưa ra kiến nghị nên nhường dần cho đầu tư tư nhân bởi đây là khu vực có nhiều tiềm lực nhưng chưa được Nhà nước chú trọng. “Gắn  tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công với việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đồng thời điều chỉnh mạnh mẽ chiến sách đầu tư theo các ngành  và vùng cho hiệu quả, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Từ đầu tư công đến tài chính công, quản lý nợ công, tất cả phải đồng bộ với nhau và công khai, minh bạch”, GS.TS Quang Thái nói.
 
 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo