Tin tức - Sự kiện

Thiếu tướng Công an: Nộp phạt thẳng cho CSGT giảm tiêu cực

Quy định cho phép nộp phạt trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm đỡ phiền hà, tránh tiêu cực.

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014).

Nộp phạt thẳng cho CSGT để giảm tiêu cực
 
Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, “quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần nộp tiền phạt”.
 
Theo ông Tuyên, việc nộp phạt tại kho bạc hiện nay có một số phiền hà do đi lại nhiều lần dễ sinh tiêu cực, xin xỏ, tác động xấu tới lực lượng cảnh sát. “Sự phiền hà này là để giảm tiêu cực cũng như nâng cao tính răn đe đối với người vi phạm”, ông Tuyên nói.
 
Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ nộp phạt trực tiếp. Ông Tuyên khẳng định nếu cứ suy luận về chuyện cho đóng phạt trực tiếp sẽ nảy sinh tiêu cực thì sẽ không làm được gì cả. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ.
 
Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội, việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định thông qua hóa đơn, biên lai là hợp lý. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn nên họ bỏ phương tiện luôn.
 
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giao thông, việc cho phép nộp phạt trực tiếp dù tránh phiền hà cho người vi phạm nhưng nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
 
Dự thảo cũng quy định, trường hợp quá 10 ngày (kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính) mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa nộp tiền phạt thì bị cưỡng chế thi hành.
 
Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt).
 
Cảnh sát giao thông tham nhũng nhiều nhất
 
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 9/7/2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố Kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.
 
Kết quả của khảo sát vừa nêu hoàn toàn phù hợp với kết quả cuộc điều tra xã hội do Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11/2012, thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
 
Điều tra trên 5.460 người cho thấy ngành cảnh sát giao thông (CSGT) đứng đầu nạn tham nhũng với hành vi nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.
 
Trong khi đó, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, lãnh đạo ngành giao thông khẳng định: lực lượng CSGT phải làm việc rất vất vả và không có thưởng Tết. Số tiền hỗ trợ cũng chỉ đủ mua ổ bánh mì và chai nước lọc.
 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (CSGTĐBĐS) cho biết, lực lượng cảnh sát chia ca trực 100%.
 
"Chúng không có thưởng Tết. Mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc", Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cho biết.
 
Thật ra điều này cũng không khó hiểu chút nào vì trước đó một vài ngày, vào hôm 1/12, trong phiên họp để các thành viên Chính phủ cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi CSGT phải phụ trách 70 km quốc lộ:
 
"Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ".

 

Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo