Thị trường

Thịt nhập khẩu cần hàng rào bảo vệ chắc chắn

Chín tháng qua, cả nước chi gần 52,2 triệu USD để nhập 52.600 tấn thịt gà các loại. Việc nhập khẩu thịt diễn ra khi nguồn cung trong nước dư thừa, giá giảm làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Giá khai thuế thấp

Sáng 30/10, trong vai người cần mua thịt gà đông lạnh, chúng tôi được chủ đại lý bán sỉ tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền báo giá đùi gà góc tư nhập khẩu từ Mỹ từ 34.000 – 37.000 đồng/kg tuỳ loại (hàng nội 40.000 – 45.000 đồng/kg); cánh gà từ Brazil dao động 58.000 – 65.000 đồng/kg (hàng nội 68.000 – 70.000 đồng/kg). Một đại lý khác nằm trong con hẻm ngay dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5) và một đại lý gần chợ Thái Bình (quận 1) tự giới thiệu là cửa hàng phân phối của Công ty thực phẩm N.H (quận 8) báo giá mỗi ký thấp hơn từ 1.000 – 3.000 đồng.

Đối chiếu với bảng giá của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giá bán không thể rẻ như vậy. Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ THO, đơn vị chuyên nhập khẩu thịt gà, cho biết, trong bốn tháng trở lại đây, do giá thành chăn nuôi tăng cao nên giá thịt gà trên thế giới có xu hướng tăng. Chẳng hạn, đùi góc tư tháng 8, tháng 9, tháng 10/2012 tăng từ 200 – 300 USD/tấn so với các tháng hồi giữa năm, dao động từ 1.200 – 1.270 USD/tấn; còn cánh gà tăng 150 – 200 USD, lên 2.500 – 2.700 USD/tấn.

 

Ông Thơ nói: “Nếu cộng thuế nhập khẩu 20%, VAT 10%, phí vận chuyển, kiểm dịch, lưu container, bốc xếp… thì đùi gà góc tư bán dưới giá 38.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg là lỗ nặng”. Theo thông tin từ giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều tháng qua doanh nghiệp khai giá nhập khẩu thịt đùi góc tư (Mỹ) từ 850 – 1.020 USD/tấn, thấp hơn so với giá nhập khẩu thực tế từ 250 – 420 USD; cánh gà (Brazil) từ 1.700 – 1.900 USD/tấn, thấp hơn 800 – 1.000 USD... Với việc khai giá như vậy, một ký đùi gà góc tư, doanh nghiệp lãi từ 5.000 – 9.000 đồng, còn cánh gà từ 16.000 – 21.000 đồng.

So với năm ngoái, số doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà giảm hơn nửa do giá khó cạnh tranh khi nguồn gà nuôi trong nước dồi dào, giá rẻ. Để tồn tại, một số doanh nghiệp nhập khẩu vẫn cạnh tranh được bằng cách né thuế. Giữa năm 2011, Sài Gòn Tiếp Thị từng phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà trốn thuế bằng cách chở hàng lên khu cửa khẩu Mộc Bài hợp thức chứng từ miễn thuế, sau đó lại đưa về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh để bán.

Cần hàng rào bảo vệ

Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng gà loại thải là gà không còn chất dinh dưỡng, trong khi có nhiều các loại chất tồn dư, nên nguy hiểm đến sức khoẻ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định chỗ này chưa chặt chẽ. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong bộ, trong năm nay phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng thịt các loại, trong đó có thịt gia cầm, để kiểm soát, ngăn chặn, để có xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty Japfa nêu vấn đề: “Bán rẻ hơn trong nước, bán thấp hơn giá nhập khẩu thì phải coi lại”. Nhập khẩu thịt gà chín tháng tại cảng TP.Hồ Chí Minh, theo cơ quan chức năng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chiếm 30% thị trường. Ông Trung cho rằng trong lúc ngành chăn nuôi trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn thì cần phải xem xét lại quyết định cấp phép cho nhập khẩu thịt gà thời gian qua. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta vì trót cam kết mở cửa thị trường mà phải làm như vậy, vẫn có cách kiểm soát để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước”, ông Trung nói.

Ông Trung đặt vấn đề, tại sao chúng ta không dựng hàng rào chống phá giá bởi rõ ràng sản phẩm nhập khẩu gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Chấn chỉnh đội ngũ


Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: tình hình nhập gia cầm, nhập giống, vừa rồi các tỉnh biên giới đổ thừa cho các tỉnh nội địa, còn nội địa lại đổ cho các tỉnh biên giới.

“Nếu làm quyết liệt, làm có trách nhiệm, không tiếp tay thì chắc chắn các đầu nậu, chủ vựa lớn sẽ không làm được. Chẳng hạn con giống nhập lậu, họ có giấy kiểm dịch hết. Vậy ai cấp giấy đó? Thì chính thú y chứ ai! Nếu chúng ta không làm những việc đó, thì họ không buôn lậu được”.

Ông Tần cho hay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa có văn bản yêu cầu cục Thú y, Cục Chăn nuôi phải rà soát lực lượng, chỗ nào làm chưa tròn trách nhiệm phải kiểm điểm, nhắc nhở, và nếu tái phạm phải có hình thức kỷ luật thích đáng. Thậm chí, với cơ quan thuộc thẩm quyền của địa phương quản lý, khi phát hiện, chúng ta cũng phải có ý kiến với địa phương, để họ xử lý.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Sài Gòn tiếp thị)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo