Thịt thối thành đặc sản
Chỗ nào cũng có
Khi vào cơ sở chế biến lợn quay ở ấp 6 xã Vĩnh Lộc A, mới đây Trạm Thú y huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh phát hiện 140kg thịt lợn thối đang ngâm bằng sunfua dioxit tẩy trắng.
Chủ cơ sở lợn quay tại gia này thừa nhận, số thịt này được mua lại từ một điểm bán thịt lợn chết, lợn bệnh giá rẻ trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh về ngâm tẩm để chế biến thành thịt đà điểu. Sau khi ngâm tẩm thành thịt tươi, chúng được ướp thêm gia vị và đóng gói thành thịt đà điểu, rồi đưa đến các nhà hàng, quán nhậu.
Trước đó, đầu tháng Hai, Trạm Thú y Tân Bình cũng phát hiện một trường hợp tương tự, khi chủ cơ sở giết mổ trên đường Lạc Long Quân đang biến gần 100 kg thịt lợn thối thành thịt lợn rừng. Bằng cách ngâm chất tẩy trắng, sau đó dùng bình gas khò da cho cháy sém, rồi dùng súng bắn lông 3 chụm vào lớp da, người ta biến lượng thịt lợn thối này thành đặc sản lợn rừng tại các quán nhậu.
Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức, cho biết, một tuần trước đơn vị này phối hợp với cảnh sát giao thông Rạch Chiếc phát hiện ba tấn thịt gà, lòng gà không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đã chuyển màu và bốc mùi hôi thối do tài xế xe khách Lê Huy Cường (ngụ Đồng Tháp) điều khiển, chở từ Đồng Nai về Đồng Tháp tiêu thụ.
Ông Cường khai với cơ quan chức năng, số thịt lậu trên được bà Nguyễn Thị Kim Anh ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai thuê chở. Có khoảng 50kg thịt trong số này được ghi nơi đến là các trường tiểu học ở TP Cao Lãnh. Tuy nhiên, theo bà Tuyết, việc truy tận cùng nguồn gốc, nơi bán và tiêu thụ là không thể do không thuộc chức năng của trạm thú y.
Khi đang xử lý tiêu hủy ba tấn thịt này, lực lượng chức năng cũng phát hiện hơn một tạ thịt gia cầm không nguồn gốc được vận chuyển từ Đồng Nai về các chợ làng Đại học Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ. Người vận chuyển khai chở thuê và bỏ thịt cho các thương lái ở chợ. “Số thịt này chắc chắn sẽ đến các quán cơm bụi và người dân, sinh viên ở khu vực làng đại học”, một cán bộ kiểm dịch nói.
Trong khi đó, 170 kg thịt bò đã thối, có dòi đang được ông Vũ Văn Tý (ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chở từ cơ sở giết mổ Trung Đồng tại Đồng Nai lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ thì bị phát hiện.
Trong bản tường trình của mình, ông Tý viết, số thịt thối này được bà Đồng, chủ cơ sở Trung Đồng, thuê chở đến cho Công ty Chế biến thực phẩm Tân Việt Sin ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh để chế biến thành thịt bò viên. Ngày 7/3, trạm này thu giữ 3,3 tấn phụ phẩm bò thối, không nguồn gốc trên một xe khách từ Đồng Nai về miền Tây. Tài xế xe khách nói rằng, chở về miền Tây bỏ mối cho các quán lẩu bò và phá lấu.
Ngày 12/3, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Chính Phát, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm Tân Việt Sin, nói: “Công ty không mua thịt bẩn từ Đồng Nai. Tôi không biết người vận chuyển là ai. Tôi cũng không mua hàng như vậy. Không hiểu sao họ lại khai chở cho chúng tôi. Việc khai bậy khiến cho doanh nghiệp tôi rất khó khăn”.
Chặn không nổi
Hiện mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 450 tấn thịt các loại, trong đó nguồn thịt của thành phố chỉ cung cấp 20%, còn lại từ các tỉnh đổ về. Đó là chưa kể mỗi ngày nơi đây cũng tiêu thụ hơn 100 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu. Theo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, 80% thịt từ các tỉnh vào thành phố khiến cho việc kiểm soát, kiểm tra vệ sinh thú ý gặp khó khăn.
“Đã có trên 12 tấn thịt động vật các loại không nguồn gốc, ôi thiu được phát hiện và tiêu hủy từ đầu năm đến nay”, bà Đặng Thị Tuyết cho biết. Đó là chưa kể hơn 21.000 con gia súc, gia cầm không nguồn gốc, nhiễm bệnh được đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ bị phát hiện rồi tiêu hủy.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, lượng thịt bẩn được phát hiện, thu giữ và tiêu hủy khi vào TP. Hồ Chí Minh thời gian qua chỉ là bề nổi, số thịt bẩn luồn lách bằng nhiều đường vẫn chưa được phát hiện.
Kết quả giám sát ở TP. Hồ Chí Minh mới đây cho thấy 24% mẫu thịt nhiễm chất cấm làm giảm mỡ và tăng nạc. Đầu tháng Một, sau khi kiểm nghiệm 36 mẫu thịt lợn sống lấy ngẫu nhiên tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết, 95% thịt nhiễm vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy và vi khuẩn tụ cầu vàng S.aureus.
Năm 2011, một khảo sát của ngành y tế TP. Hồ Chí Minh về chất lượng thịt tươi sống các loại như lợn, trâu, bò, gà đang được lưu thông, buôn bán ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn E.coli và tồn dư kháng sinh chiếm tỷ lệ cao. Trong số 48 mẫu thịt lợn, có đến 45 mẫu nhiễm khuẩn E.coli; trong 36 mẫu thịt trâu - bò, có 33 mẫu nhiễm khuẩn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, cho biết, hiện TP. Hồ Chí Minh có gần 2.500 cơ sở cung cấp thức ăn, bếp ăn tập thể, nếu không kiểm soát được thịt thối, nhiễm bệnh, nguy cơ loại thực phẩm này vào các bếp ăn tập thể, nơi cung cấp suất ăn sẵn là rất cao.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024