Tin tức - Sự kiện

Thoái vốn ngoài ngành: Tránh đẩy thiệt hại về phía Nhà nước

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo quý I-2013 của Bộ Tài chính về khó thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết, tất cả đã có giải pháp thực hiện, quan trọng là nỗ lực từ phía chính các DN.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tại Nghị quyết của phiên họp thường kỳ tháng 6-2012, Chính phủ đã yêu cầu đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Đó chính là cách thức để tránh thoái vốn tiêu cực, đẩy thiệt hại về phía Nhà nước vì đây là vốn và tài sản của Nhà nước.
 
Theo ông Tiến, Chính phủ đã giao các tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có phương án và lộ trình thoái vốn cụ thể. Bộ trưởng các bộ, UBND các tỉnh thành phố sẽ phê duyệt từng phương án thoái vốn, gửi Bộ Tài chính thẩm tra và có ý kiến trước khi thực hiện.
 
Chia sẻ rõ ràng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, đối với các dự án tạm thời thực hiện có hiệu quả chưa có nguy cơ mất vốn, tuy nhiên các tập đoàn, tổng công ty vẫn phải đưa ra phương án, lộ trình cụ thể, tự tính toán để tiến hành thoái vốn chứ không phải không thực hiện.
 
Với cách thức hiện nay, khi các bộ, ngành, địa phương chủ quản gửi Đề án về Bộ Tài chính, Bộ sẽ có ý kiến, tất cả các phương án đều có phương án xử lý cụ thể cho phù hợp tình hình thực tế. Nếu trường hợp có DN muốn thoái vốn, bán dưới giá trị sổ sách thì đề nghị DN thực hiện theo đúng quy trình và quy định, Bộ Tài chính sẽ có phương án giải quyết cụ thể.
 
Nhóm các cơ chế hiện nay, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn quản lý tài chính khi thoái vốn, phải đấu thầu, tiến hành công khai qua thị trường, sau khi mở thầu rồi nếu trường hợp không có người mua mới bán theo thỏa thuận. Chủ sở hữu phải phê duyệt phương án, bán như thế nào, bán cho ai, đúng theo phân cấp, phân quyền quy định tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
 
Trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định như: Cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, và có cơ chế mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì DN luôn luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn. Chỉ trừ khi DN không thực hiện trích lập dự phòng vì tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thì DN sẽ phải đối mặt với rủi ro, dẫn đến lãi giả lỗ thật.
 
Theo ông Tiến, cơ chế đã có, quy trình đã có, DN không muốn bán đấu giá mà muốn bán chỉ định là không hợp lý. “Tới đây Bộ Tài chính tổng hợp lại các giải pháp và sẽ có văn bản quy định rõ để các DN không thể viện cớ do không có  văn bản để không thực hiện”, ông Tiến nói.
 
Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong Đề án tái cơ cấu, khó nhất là vấn đề thoái vốn. Đây cũng là vấn đề bắt buộc phải làm rõ trong Đề án. Các DN phải rà  soát, đưa ra được phương án và bản thân DN minh bạch được thì các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Tài chính mới tham mưu trình Chính phủ đưa ra các giải pháp hiệu quả để xử lý.
 
Bộ Tài chính với trách nhiệm là cơ quan được Thủ tướng giao giám sát, đôn đốc, tổng hợp báo cáo, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có chỉ đạo quyết liệt hơn gắn với trách nhiệm từng vị trí lãnh đạo TĐ, TCT và trách nhiệm của chủ sở hữu là các bộ, ngành và UBND các tỉnh theo phân cấp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt Đề án. Phải thực hiện các biện pháp mạnh gắn với trách nhiệm mới đảm bảo được tiến độ.
 
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 18-3-2013, các DN Trung ương có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng Đề án tái cơ cấu trình Bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt. Trong đó, có 34 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Các doanh nghiệp địa phương có 86 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó có 20 tổng công ty, công ty được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo