Quốc tế

Thoát hiểm nhờ… tin đồn?

Thị trường toàn cầu đã không ít lần lao đao vì những tin đồn thất thiệt, song giờ đây, tin thất thiệt lại có vẻ trở thành một động cơ thúc đẩy thị trường đi lên trở lại. Dường như nhà đầu tư quốc tế đang cố nắm lấy bất cứ cái cọc nào.

Chốt phiên giao dịch 28/11, trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones tiến 291,23 điểm (+2,59%) lên 11.523,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 33,88 điểm (+2,92%) lên 1.192,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhảy 85,83 điểm (+3,52%) lên 2.527,34 điểm.

Diễn biến cùng chiều với thị trường chứng khoán Mỹ, các sàn châu Âu tăng điểm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,87% lên mức 5.312,76 điểm. Chỉ số DAX của Đức tiến 4,6% lên mức 5.745,33 điểm. CAC 40 của Pháp nhảy 5,46% lên 3.012,93 điểm.

Trên thị trường dầu, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 1,44 USD, tương ứng 1,5%, lên 98,21 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Trước đó, giá dầu loại này đã chạm tới mức 100,74 USD/thùng, cao nhất kể từ sau hôm 16/11 tới nay.

Tại sàn giao dịch kim loại, giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên 1,709 USD/ounce, trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 tăng 25 USD lên 1.710 USD/ounce. Mức giá thấp nhất trong ngày là 1.703 USD/ounce và cao nhất lên tới gần 1.723 USD/ounce.

Nguyên nhân chính tác động tới đà đi lên của các thị trường hàng hóa đêm qua, gồm doanh số khả quan ngày “Thứ sáu đen” 25/11 ở Mỹ, giới chức Pháp, Đức tiến gần tới thỏa thuận chế ngự khủng hoảng nợ và “tin đồn” IMF sẽ cứu trợ Italy.

Khi tin đồn “có lợi”

Về ngày “Thứ 6 đen”, theo tính toán sơ bộ của công ty ShopperTrak, doanh số bán lẻ của Mỹ trong dịp này (ngày mở đầu cho mùa mua sắm vào dịp cuối năm ở Mỹ, năm nay rơi vào ngày 25/11) tăng 6,6% so với năm ngoái, lập mức cao kỷ lục 11,4 tỷ USD.

ShopperTrak cho biết, doanh số bán lẻ của ngày "Thứ Sáu Đen" năm nay tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2006/2007, thời điểm con số này đạt 8,3%. Hầu hết các trung tâm mua bán trong ngày đều đông nghịt người từ đêm hôm trước đến tối hôm sau.

Theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), doanh số bán trực tuyến trong ngày Lễ Tạ ơn đã tăng đột biến 39,3% và đạt mức tăng 24,3% trong ngày "Thứ Sáu Đen". 

Trong dịp nghỉ lễ cuối tuần qua, 226 triệu người đã tới các cửa hàng hay "dạo" quanh các trang mua sắm trên mạng và chi tiêu trung bình 398,62 USD/người, so với mức 365,34 USD năm 2010.

Tuy nhiên, người sáng lập ShopperTrak, ông Bill Martin cảnh báo: Doanh số bán dù có cao cũng chỉ là một ngày mà thôi. Vẫn còn phải chờ xem người tiêu dùng có giữ "thái độ" nhiệt tình này trong suốt mùa mua sắm hay không.

Trong khi đó, từ châu Âu có tin cho biết, Đức và Pháp đang thúc đẩy việc có thêm quyền lực để bác bỏ kế hoạch ngân sách của các quốc gia vi phạm quy định của Liên minh châu Âu (EU) trước cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này vào ngày 9/12.

Cuối tuần qua, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về các cách thức đặt ra cơ chế kiểm soát ngân sách ngặt nghèo hơn đối với các nước Khu vực đồng Euro thông qua một thỏa thuận khu vực hoặc một thỏa thuận tách biệt với hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU.

Những sửa đổi luật này nhằm buộc các nước sử dụng đồng Euro tuân thủ các quy định khắt khe hơn về kỷ luật ngân sách và những trừng phạt nghiêm khắc đối với những nước vi phạm. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đề xuất kế hoạch trên trước khi hội nghị 9/12 diễn ra.

Xét về một khía cạnh nào đó thì động thái của Pháp và Đức cho thấy giới chức châu Âu đang quyết tâm giải quyết nợ công, dù bước tiến rất chậm. Song, theo giới phân tích, nhà đầu tư sẽ ngưng mua hàng, nếu không có kế hoạch hỗ trợ khu vực này một cách thực sự.

Yếu tố thứ ba có ảnh hưởng tới thị trường là tin đồn xuất phát từ một tờ báo của Italy cho rằng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cung cấp một khoản vay lớn với lãi suất thấp cho nền kinh tế cũng đang ngập đầu trong nợ nần này.

Theo tờ La Stampa cuối tuần qua, IMF có thể cấp cho Italy khoản vay lên tới 600 tỷ Euro (khoảng 790 tỷ USD) với lãi suất thấp, trong bối cảnh Thủ tướng Italy Mario Monti đang đối mặt với những áp lực đòi đẩy nhanh các biện pháp chống khủng hoảng.

Các quan chức IMF nhấn mạnh khoản cho vay này sẽ giúp Thủ tướng Monti có được khoảng thời gian 12 - 18 tháng để thực hiện các biện pháp ngân sách khẩn cấp và cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

IMF sẽ đảm bảo lãi suất 4-5% đối với khoản vay trên, tốt hơn nhiều so với lãi suất đi vay trên các thị trường nợ. Hiện, chi phí vay mượn của Italy đã ở trên mức 7%. Các chuyên gia cho rằng Italy cần tái cung cấp tài chính khoảng 400 tỷ euro trong năm tới.

Quy mô khoản vay này có thể sẽ khiến IMF gặp khó khăn trong việc sử dụng các nguồn lực hiện nay, vì thế IMF đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau, bao gồm cả khả năng hợp tác với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong đó IMF sẽ là bên đảm bảo. 

Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF ngày 28/11 nói thiết chế này chưa có các đàm phán với Italy về kế hoạch cứu trợ. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng với nguồn tài chính hiện nay là 385,5 tỷ USD, IMF không đủ khả năng cấp một khoản vay lớn như vậy.

Dẫu vậy, tin đồn do tờ La Stampa phát đi đã có tác động tích cực tới các thị trường hàng hóa đêm qua, đồng thời gây sức ép giảm giá đồng bạc xanh. Phiên hôm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền khác, đã giảm xuống 79,276 điểm.

Và nguy cơ “có thực”

Theo trang Euobsever, nhà bình luận của tờ FT Wolfgang Munchau cho rằng, “đồng Euro còn nhiều nhất là 10 ngày nữa” và giới lãnh đạo châu Âu cần phải tiến hành các biện pháp quyết liệt tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 9/12 tới.

Trong khi, tờ Economist trong số phát hành mới nhất đã đăng bài bình luận với dòng tít lớn: "Đồng tiền chung châu Âu có thể tan rã trong vòng vài tuần tới".

Trước đó, Đài tiếng nói nước Nga hôm 27/11 dẫn lời nhà kinh tế nổi tiếng người Pháp Jacques Attali, tuyên bố đồng Euro có thể sụp đổ vào dịp Giáng sinh nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp chống khủng hoảng ở cấp độ EU.
 
Theo tờ Telegraph, Bộ Ngoại giao Anh đã yêu cầu sứ quán của nước này tại các nước thành viên EU giúp đỡ công dân Anh sẵn sàng đối phó với khả năng họ không thể truy cập được tài khoản ngân hàng hoặc không rút được tiền mặt do sự sụp đổ của đồng Euro. 

Tờ Telegraph của Anh cho hay, các sứ quán của nước này tại châu Âu cũng nhận được chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bất ổn xã hội sẽ lan khắp châu Âu.

Euobsever dẫn nguồn nhật báo Đức Die Welt ngày 28/11 cho biết Berlin có kế hoạch phối hợp với năm nền kinh tế hàng đầu khác của Eurozone để phát hành trái phiếu chung "thượng hạng".

Những trái phiếu "thượng hạng" này sẽ do các nước Đức, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Luxembourg và Áo, tất cả đều là những nước được các hãng xếp hạng tín nhiệm xếp ở hạng AAA - phát hành.

Với kinh tế Mỹ, cuối ngày hôm qua, tổ chức Fitch cho biết đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, do “siêu ủy ban” của Quốc hội Mỹ không thể thống nhất về các biện pháp cắt giảm ít nhất 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách.

Fitch cho biết trong thông báo: “Triển vọng tiêu cực phản ánh niềm tin ngày càng giảm sút của Fitch về việc Mỹ sẽ đưa ra được các biện pháp tài khóa kịp thời để ổn định tình hình tài chính công và đảm bảo mức xếp hạng AAA”.

Trong khi, hai tổ chức định mức tín nhiệm khác là Standard & Poor’s và Moody’s đều cho rằng sự thất bại của siêu ủy ban lưỡng đảng sẽ không có tác động ngay lập tức đến xếp hạng tín nhiệm Mỹ.

Mặc dù, hôm qua, thị trường chưa phản ứng mạnh với động thái của Fitch Ratings, do công bố của tổ chức này đến sau khi chứng khoán đã dừng phiên giao dịch chính thức, song điều gì sẽ xảy ra trong phiên tiếp theo xuất phát từ yếu tố này thì chưa ai rõ.

 
Theo VnEconomy
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo