Thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định lợi thế?
Số liệu trên được Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố mới đây. Những “đại gia” đều đã núp bóng trong cơn “bĩ cực” của kinh tế, liệu đây có phải là thời điểm để các doanh nghiệp nhỏ khẳng định lợi thế của mình?
Niềm tin vào doanh nghiệp nhỏ?
Bàn về tình hình sống - chết của các doanh nghiệp hiện nay, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch Đầu tư phát đi tín hiệu khá lạc quan là doanh nghiệp trong nước đang có sự điều chỉnh về mọi phương diện để hoạt động vừa sức mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều này được minh chứng bằng con số hơn 65.000 doanh nghiệp thành lập mới (nhiều hơn so với số 55.000 doanh nghiệp phá sản), trong đó 97% số doanh nghiệp thành lập mới thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn bình luận: “Sau hơn 10 năm, lần đầu tiên số doanh nghiệp giảm đi so với những năm trước. Giai đoạn 2000 - 2010, doanh nghiệp phát triển bất thường với tốc độ tăng trung bình 18%/năm, đây là sự phát triển quá nhanh. Và hiện tại doanh nghiệp đã phải trở về đúng với nội lực của nước ta”. Theo ông Tuấn, sự trễ nải trong thành lập mới của doanh nghiệp hiện nay mới là đúng theo lộ trình phát triển bình thường của nền kinh tế. Chính sự phát triển quá dồn dập của giai đoạn trước mới là bất thường, hệ quả dễ thấy là giải thể và phá sản hàng loạt.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn số doanh nghiệp lập mới, điều này cho thấy sự dẻo dai của đối tượng doanh nghiệp này. Những “ông lớn” một thời, cả bất động sản, dịch vụ tài chính... đều đã nhường chỗ cho công nghiệp chế tạo, y tế, văn hóa... như một sự tất yếu” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa - lại nêu thực tế: “Sức khỏe của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ở trên bàn hội nghị khác hoàn toàn so với thực tế, nếu không muốn nói là những doanh nghiệp này đang bế tắc nhiều phía”. Ông cho rằng, có thực trạng những doanh nghiệp sắp “chết yểu” đang cố gắng sống sót để được vay vốn bằng cách thành lập mới. Chính sách đưa ra nửa vời, đưa ra rồi rút lại do chưa nắm được số liệu chính xác, giải pháp càng nhiều càng rối. Bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xem xét kỹ để tránh tình trạng cứu... “oan” đối tượng.
Từng bước gỡ khó
Đồng tình với ông Cao Sĩ Kiêm, ông Đinh Mạnh Hùng - PGĐ Trung tâm Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) - cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi có đi khảo sát một loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành caosu, cơ khí điện, điện tử, nhựa, năng lượng... Họ thực sự khó khăn, mà khó khăn nhất là tình trạng nợ quá hạn. Không những doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia, mà khi doanh nghiệp triển khai các dự án của các tỉnh khi làm xong nhưng không được địa phương thanh toán. Các doanh nghiệp này do đó không thể thanh toán tiền nguyên vật liệu cho doanh nghiệp khác...”.
Trong khi đó, việc đi vay ngân hàng là bất khả thi, bởi với lãi suất 15-18% sẽ là quá sức với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan điểm của ông Hùng cho thấy, đối với những doanh nghiệp chấm dứt, ngừng hoạt động thì thôi. Còn những doanh nghiệp còn sống lay lắt thì giảm thuế không có ý nghĩa gì. Riêng với những doanh nghiệp nào còn sống thì nên tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội vươn lên.
Tín dụng vẫn là bài toán khó muôn thuở của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Cục Quản lý doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch Đầu tư, tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay giảm mạnh với 13,7%. Hiện Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã xem xét thẩm định, chấp thuận bảo lãnh và phát hành hơn 1.500 chứng thư bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá trị bảo lãnh gần 11.000 tỉ đồng.
Cũng theo số liệu của cục, đến nay các ngân hàng thương mại đã cấp vốn vay cho các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 9.000 tỉ đồng. Bộ cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho đối tượng này như chính sách tín dụng với thương nhân hoạt động thương mại tại các vùng khó khăn, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, để tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp thuê với giá hợp lý, một số địa phương đã tiến hành rà soát, thu hồi đất các dự án không hiệu quả để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp có năng lực được thuê đầu tư phát triển sản xuất, thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, làng nghề...
Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo đó, dự thảo đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 23% thay vì mức 25% như hiện hành. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chỉ chịu mức thuế suất là 20%. Điều kiện để được hưởng thuế suất 20% là doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng.
Đoàn Huế (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển