Thông điệp đầu năm của Thủ tướng: Trọng tâm cổ phần hóa DNNN năm 2014
Tại thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc lại trọng tâm tái cơ cấu DNNN là cổ phần hóa (CPH) và người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết trong 2 năm 2014-2015, sẽ có khoảng 500 DNNN phải CPH. Quyết tâm đã có, nhưng liệu việc thực hiện có theo được như kế hoạch không là câu hỏi còn đang chờ lời đáp.
Quyết liệt, nhưng phải phù hợp tình hình
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, CPH DNNN thời gian qua bị chậm có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trước hết là do diễn biến kinh tế thế giới cũng như trong nước, cùng thị trường chứng khoán (TTCK) không thuận lợi nên CPH không được nhà đầu tư (NĐT) quan tâm hoặc giá chào mua quá thấp, không thể bán.
So sánh với thời kỳ đầu CPH thì số lượng DNNN được CPH rất nhiều, nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Giai đoạn hiện nay, CPH các DNNN là các tập đoàn, TCty lớn, giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế trọng yếu, do vậy CPH phải do Chính phủ quyết định để đảm bảo việc CPH không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như không gây thất thoát vốn nhà nước. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với quá trình CPH thời gian vừa qua là “dãn ra”.
“Trước diễn biến của kinh tế và thị trường, Chính phủ đã báo cáo và Bộ Chính trị đã kết luận dãn tiến độ CPH để phù hợp với tình hình thực tế” - Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết.
Ngoài ra, cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cùng với chủ trương dãn tiến độ CPH thì ngay tại các tập đoàn, TCty, một bộ phận lãnh đạo chủ chốt vẫn chưa thông suốt cũng như chưa quyết tâm thực hiện CPH, khiến cho tiến trình CPH vì thế cũng bị chậm lại so với kế hoạch. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân đến từ luật không đồng bộ.
“Các DNNN do lịch sử để lại nên nắm trong tay quỹ đất rất lớn. Do vậy, khi tiến hành CPH thì gặp nhiều vướng mắc không thể xử lý, do không đồng bộ giữa luật CPH và luật về đất đai” - ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, hành lang pháp lý cho CPH đã hoàn thiện. Đặc biệt, đã có quy định rõ, các DN đã có đề án được Chính phủ phê duyệt, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì ban lãnh đạo DN được xác định “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Cùng với dự báo TTCK năm 2014 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng tiến trình CPH năm 2014 không có lý do gì để trì hoãn, nhưng cũng không vì sức ép từ bên ngoài để nôn nóng thực hiện gây thất thoát.
“Ví dụ như việc bán cổ phần tại một số TCty bia, khi trình phương án lên Thủ tướng thì tình hình thị trường có thay đổi, buộc phải dừng lại. Sau đó, thấy rõ ràng nếu vẫn quyết tâm bán thì là thua lỗ lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước” - Thứ trưởng Hiếu nêu ví dụ.
Cần thay đổi quan niệm cổ phần hóa
Đánh giá về tiến trình CPH DNNN, ông Nguyễn Đình Cung – quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, muốn triển khai tốt CPH thì trước tiên phải thay đổi quan niệm về CPH. Những thay đổi hiện mới dừng lại ở những tuyên bố, định hướng chính sách, mà chưa có quy định pháp luật cụ thể.
Ví dụ như việc thoái vốn định giá theo giá thị trường.
Vậy thế nào là giá thị trường? Với người nghiên cứu kinh tế thì giá thị trường là giá thỏa mãn được lợi ích của cả bên bán, bên mua và thay đổi theo thời gian tùy vào lực lượng cung-cầu. Do vậy, không phải là giá bất biến.
“Trong thực tế, khi CPH, nếu đặt giá mà không có người mua thì người thực hiện không bị làm sao, nhưng nếu định giá CPH mà lại có nhiều người đến mua thì rất dễ sau đó bị thanh tra, kiểm tra với câu hỏi là tại sao lại bán rẻ như vậy? Có thể quy cho là thất thoát tài sản nhà nước. Đây là rủi ro cho người thực hiện CPH” – ông Cung chia sẻ.
Đây là một trạng thái tâm lý rất quan trọng mà người soạn thảo và thực thi pháp luật phải vượt qua được. Muốn vậy thì toàn bộ quá trình thực hiện CPH phải minh bạch, công khai hoá để tất cả mọi người giám sát, người thực hiện CPH là công tâm, không có tư lợi.
“Khi đã minh bạch thì đòi hỏi cơ quan giám sát phải giám sát thường xuyên, chứ không phải sự việc xảy ra rồi mới tới quy cho người thực hiện là vi phạm” - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Không chỉ quan trọng đối với CPH, việc thay đổi quan niệm - theo ông Cung - còn phải được tiến hành với quá trình thoái vốn của DNNN. Nhiều DNNN hiện không thoái được vốn đầu tư ngoài ngành do giá bán thấp hơn giá trị sổ sách. Lãnh đạo của những DNNN này sẽ bị coi là làm thất thoát tài sản nhà nước nếu chuyển nhượng vốn như vậy.
“Có thể có một số người lợi dụng để tư lợi, nhưng phải thấy rằng giá thị trường không phải là bất biến, đánh giá về thị trường thay đổi. Nếu quy trách nhiệm khi bán lỗ thì không ai dám thoái vốn” - ông Cung kết luận.
Dự kiến, tháng 2 tới Chính phủ sẽ có phiên họp thảo luận để chỉ đạo việc thực hiện CPH DNNN trong thời gian tới. Kỳ vọng sau phiên họp, sẽ có quyết định thay đổi mang tính bước ngoặt để quá trình CPH DNNN diễn ra nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống DNNN cũng như tái cơ cấu nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo