Thông điệp phía sau chuyến thăm Hàn của Tập Cận Bình
Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố thắt chặt quan hệ song phương. Cùng ngày, Nhật Bản nói sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên. Hai động thái song song này của các cường quốc Đông Á phản ánh những chuyển biến lớn trong khu vực mà ở đó, cả Bắc Kinh và Tokyo cùng đang muốn thể hiện quyền lực lớn hơn.
Tờ Wall Street Journal cho biết, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Seoul, ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye ngày hôm qua (3/7) tuyên bố sẽ tiến tới hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do song phương trong năm nay và tạo điều kiện để các nhà đầu tư Hàn tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường tài chính Trung Quốc.
Chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Hàn Quốc diễn ra cùng thời điểm với việc Nhật quyết định điều chỉnh diễn giải hiến pháp nhằm cho phép quân đội nước này được tham chiến ở nước ngoài - một động thái mà cả Bắc Kinh và Seoul cùng phản ứng bằng thái độ thận trọng, quan ngại.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng đi ngược lại truyền thống đã có nhiều thập kỷ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là luôn thăm Triều Tiên trước khi thăm Hàn Quốc. Đã hơn một năm lên nắm quyền nhưng ông Tập Cận Bình chưa hề thăm Bình Nhưỡng.
Chỉ vài giờ trước khi ông Tập đặt chân tới Seoul, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nới lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Động thái này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí và nghiêm túc trong việc điều tra về số phận của các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc cách đây nhiều thập kỷ.
Tokyo dự định vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc nhằm vào Triều Tiên, nhưng việc nới lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc muốn cùng cộng đồng quốc tế duy trì quan điểm thống nhất đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên lại là một điểm đáng chú ý.
Một số nhà phân tích nói rằng, thỏa thuận này giữa Tokyo và Bình Nhưỡng phản ánh những mục tiêu kinh tế và chiến lược dài hạn thay vì bất kỳ một sự thay đổi bất ngờ hay mang tính căn bản nào trong lập trường của Nhật.
Mặc dù vậy, những diễn biến trong ngày 3/7 là một sự thể hiện đặc biệt hiếm gặp về thay đổi trật tự trong khu vực.
Wall Street Journal đánh giá, những động thái ngoại giao kể trên có khả năng ảnh hưởng tới các liên minh của Mỹ ở châu Á. Chuyến thăm Seoul của ông Tập Cận Bình được các nhà ngoại giao và giới phân tích đánh giá là một chuyến công du nhằm tranh thủ mối quan hệ lạnh giá giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để làm xấu thêm mối liên kết vốn dĩ đã lỏng lẻo giữa hai đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực.
“Trung Quốc nhận thấy cơ hội kéo Hàn Quốc khỏi Mỹ, và Nhật Bản và sẽ sử dụng ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của mình để khẳng định thế thượng phong của họ ở Đông Á”, ông Frank Jannuzi, Chủ tịch Mansfield Foundation, đánh giá.
Sự tái định vị giữa các cường quốc Đông Á đã diễn ra từ vài năm nay trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực tìm kiếm vai trò cho riêng mình trước sự nổi lên của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Trong thập kỷ qua, khó khăn kinh tế của Nhật đã khuyến khích Hàn Quốc xây dựng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn. Kể từ khi Tổng thống Park Geun-Hye lên cầm quyền, Hàn Quốc coi Bắc Kinh là một đối tác thay vì là một rào cản trong xử lý vấn đề Triều Tiên.
Trong khi đó, từ chỗ coi Nhật là kẻ thù, Bình Nhưỡng đã chuyển sang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Tokyo vì mục đích kinh tế nhằm bù đắp lại mối quan hệ xấu đi với Bắc Kinh và Seoul.
Mối quan hệ không xuôi chèo mát mái giữa Seoul và Tokyo một lần nữa được chứng minh trong ngày 3/7. Hàn Quốc cảnh báo Nhật Bản về thỏa thuận nới trừng phạt mà Tokyo dành cho Bình Nhưỡng, nói rằng việc này “không được gây ảnh hưởng tới sự phối hợp quốc tế giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật về chương trình hạt nhân và tên lửa của của Triều Tiên”.
Chuyến thăm Seoul của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quan ngại về sự ổn định của “sân sau” Triều Tiên, bao gồm những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng. Gần đây, Triều Tiên thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn xuống biển và tuyên bố sẽ tiếp tục làm như vậy, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc.
Tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với việc Nhật Bản tăng cường vai trò cho quân đội, đã thúc đẩy Bắc Kinh gia tăng áp lực đối với Tokyo trong những vấn đề lịch sử liên quan tới quá khứ quân phiệt của Nhật.
Trong động thái mới nhất, Trung Quốc ngày 3/7 tuyên bố kế hoạch sẽ công bố trên mạng Internet lời thú nhận viết tay của 45 người Nhật bị Trung Quốc coi là tội phạm chiến tranh trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bắc Kinh cho rằng, những tài liệu này sẽ phản ánh quá khứ quân phiệt của Nhật.
Trong khi đó, quyết định của Thủ tướng Abe nới trừng phạt đối với Triều Tiên phản ánh quyết tâm giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật, một vấn đề mà cử tri Nhật quan tâm, đồng thời cũng là một ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Abe kể từ khi lên cầm quyền cách đây 1 năm rưỡi.
Tuy vậy, lập trường lâu năm của các bên không có sự thay đổi. Sau cuộc gặp thượng đỉnh, ông Tập và bà Park thể hiện sự khác biệt căn bản trong cách tiếp cận xử lý chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại đàm phán và có các biện pháp khuyến khích để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, Tổng thống Hàn muốn Triều Tiên trước hết phải thể hiện thiện chí về từ bỏ chương trình này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không gia tăng sức ép lên Triều Tiên, bất chấp đã thắt chặt quan hệ với Hàn Quốc. Ít ai tin rằng chính sách đã tồn tại từ lâu của Trung Quốc về đảm bảo Triều Tiên không sụp đổ và gây bất ổn khu vực đã có sự thay đổi mạnh mẽ. “Sự tồn tại của Triều Tiên vẫn là một ưu tiên của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ không ‘nhảy theo nhạc’ của Washington hay Seoul”, ông Adrian Foster-Carter, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Leeds của Anh, nhận xét.
Ngoài ra, với sự phụ thuộc về quốc phòng vào Mỹ, Hàn Quốc cũng muốn thể hiện rằng, sự gần gũi với Bắc Kinh không làm tổn hại tới liên minh giữa nước này với Mỹ. Hiện có 28.500 quân Mỹ đồn trú ở Hàn.
Tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng nhất trí đẩy mạnh đàm phán thương mại tự do và mở một trung tâm giao dịch trực tiếp giữa đông Won và đồng Nhân dân tệ để tăng cường thương mại song phương. Các nhà đầu tư tổ chức của Hàn Quốc cũng được cấp hạn ngạch 80 tỷ Nhân dân tệ để đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Cột tin quảng cáo