Thống đốc Bình: Giảm lãi suất cho vay thêm ít nhất 1-2%
Bài học thành công của TP.HCM
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong 2 tháng đầu năm (do đúng vào dịp Tết), nên tín dụng tăng còn chậm, nhưng kể từ tháng 3, có thể bắt đầu tăng mạnh hơn.
“Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, cao hơn năm 2013.
Vì thế, để đạt được mục tiêu cũng như kích cầu dòng vốn, các tổ chức tín dụng nên gấp rút xem xét việc điều chỉnh lãi suất hoặc thực hiện kết nối ngay trong quý I để doanh nghiệp (DN) cũng sớm triển khai ngay hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay ưu đãi đối với DN tối đa không quá 9%/năm và phổ biến 8 - 8,5%/năm là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với cho vay ngắn hạn, lãi suất chỉ nên biến động trong khoảng 7-8%. Riêng lãi suất cho vay bình ổn 6%/năm mà một số ngân hàng đang triển khai, ông Bình cũng đề nghị các ngân hàng này nên xem xét để giảm thêm ít nhất là 0,5%/năm và lãi suất có thể xuống mức thấp nhất là 5%/năm vào cuối năm 2014.
Thực tế cho thấy, trong năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã vào cuộc chia sẻ bình ổn giá chung của Thành phố bằng các gói ưu đãi lãi suất 6%/năm, giúp tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2013, GDP cả nước tăng 5,42%, còn tăng trưởng tín dụng là 12,5%.
Trong khi đó, riêng khu vực TP.HCM, GDP tăng trên 9%, đồng thời tăng trưởng tín dụng cũng ở mức 9%. Như vậy, việc giữ lãi suất cho vay thấp trong năm qua của TP.HCM đã giúp cho đồng vốn của các ngân hàng chảy rất hiệu quả.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu vốn
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm ít nhất 1 - 2% và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần được cải thiện là cơ sở để người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể sẽ đạt mức 12 - 13%. “Tuy nhiên, để dòng vốn tín dụng có thể chảy mạnh hơn, thì các ngân hàng không chỉ giảm lãi suất, mà còn phải chủ động việc kết nối cung - cầu vốn”, ông Bình nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, chương trình kết nối cung - cầu vốn được triển khai trên địa bàn TP.HCM năm qua, với 13.000 tỷ đồng vốn được giải ngân (với lãi suất ngắn hạn 8 - 9%/năm và trung, dài hạn 10%/năm) đã đem lại hiệu quả tốt.
Theo kế hoạch, năm nay, TP.HCM tiếp tục đưa ra 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi. Vì thế, sắp tới, mô hình này có thể sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.
“Đầu tháng 3/2014, ngành ngân hàng sẽ cùng với các DN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tổ chức một hội nghị lớn bàn về kết nối cung- cầu giữa DN với ngân hàng, nhằm kích cầu tiêu dùng để giải phóng lượng vật liệu xây dựng tồn kho lớn trên địa bàn TP.HCM”, ông Bình cho biết.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank nhận định, các chương trình kích cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ tạo điều kiện tốt để ngân hàng khơi thông dòng chảy vốn trong thời gian tới. Sacombank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay vào khoảng 13 - 14%, nhưng 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng mới chỉ tăng 1%. Vì thế, năm nay, Sacombank sẽ đẩy mạnh việc triển khai nguồn vốn vay ưu đãi (khoảng 1.500 tỷ đồng) nhằm hưởng ứng chương trình bình ổn thị trường của UBND TP.HCM và Sở Công thương.
Bên cạnh việc tham gia tài trợ vốn cho DN tham gia bình ổn thị trường (với lãi suất ngắn hạn 6%/năm và lãi suất trung hạn 10%/năm), trong năm nay, Sacombank còn dành nguồn vốn với lãi suất ưu đãi 7-8%/năm cho các đơn vị là nhà cung ứng của DN bình ổn giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam