Thống đốc nêu mốc 2015 cho tái cơ cấu ngân hàng
Nhân dịp Quốc khánh 2/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về một số định hướng chiến lược của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Kiên định mục tiêu
Một trong những nhiệm vụ chính trị hiện nay của ngành ngân hàng là ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Từ cuối năm 2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, diễn biến kinh tế vĩ mô nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro như lạm phát tăng cao, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá và thị trường ngoại hối biến động, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định vĩ mô.
Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Với việc thực thi quyết liệt chính sách tiền tệ kết hợp với các giải pháp chính sách vĩ mô khác, về cơ bản điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được các mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định. Hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ ổn định, nếu như vào nửa cuối năm 2011, thanh khoản toàn hệ thống thấp, nguy cơ đổ vỡ hệ thống là hiện hữu thì đến nay thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng đã cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và ổn định.
Ngân hàng Nhà nước đã từng bước nới lỏng quy định trần lãi suất huy động nhưng mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định, không có sự xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng như những năm trước đây. Lạm phát đã được kiềm chế từ mức cao 18,13% cuối năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và 3,53% trong 8 tháng đầu năm 2013, khả năng cả năm 2013 có thể được kiểm soát ở mức khoảng 7%.
Nếu như trước đây, tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động và chịu sức ép tăng, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì đến nay tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tình trạng đôla hóa đã giảm mạnh, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Thị trường vàng từng bước được tổ chức sắp xếp, đổi mới một cách căn bản, góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nền kinh tế hiện nay vẫn còn đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Nguồn vốn tín dụng đã có xu hướng cải thiện trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa thực sự thông suốt, chủ yếu do sức cầu trong nước vẫn còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; lạm phát tiếp tục được kiểm soát nhưng vẫn không thể chủ quan với nguy cơ gia tăng trở lại; hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn nhưng nợ xấu vẫn còn ở mức cao được tích lũy trong thời gian dài trước đây, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ, ngành liên quan.
Do vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với những mục tiêu về chính sách tiền tệ đã đặt ra. Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đồng thời xử lý nợ xấu, trong đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai tích cực gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Khuyến khích trái phiếu
Hiện nay mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế chủ yếu đều dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi các kênh khác của thị trường vốn lại chưa phát triển và/hoặc hoạt động đúng chức năng. Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành ngân hàng, Nhà nước cần phải làm gì để khắc phục tình trạng “thị trường tài chính đi một chân” như hiện nay, thưa ông?
Đúng là hiện nay nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề cơ bản là thị trường vốn Việt Nam chưa thực hiện tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp do tính thanh khoản thấp, thông tin tài chính của các doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch để tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư.
Sự phụ thuộc vốn cho sản xuất kinh doanh vào hệ thống ngân hàng dẫn đến tăng trưởng tín dụng cao trong nhiều năm qua, cho nên khi chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn do phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn nhưng thực hiện cho vay với tỷ trọng không nhỏ dư nợ trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đang trong tình trạng đô la hóa nên các tổ chức tín dụng còn chịu rủi ro về đồng tiền.
Trong hai năm qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý và hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực có nhiều rủi ro, đã góp phần nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng, từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Trong giai đoạn 2011-2012, tín dụng tăng bình quân gần 12%/năm nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức hợp lý, năm 2011 GDP tăng 6,24% và năm 2012 tăng 5,25%; đồng thời hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ đã ổn định và lành mạnh hơn.
Trong thời gian tới, để hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại về đúng với vai trò là kênh cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai tích cực các giải pháp về tín dụng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng và từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Về phía các chính sách vĩ mô khác, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính, khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững và hiệu quả để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.
Đồng thời về phía các doanh nghiệp, để có thể huy động được nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phải chủ động xây dựng cơ cấu tài chính bền vững, hoạt động hiệu quả, đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho sản xuất kinh doanh cũng như minh bạch hóa thông tin để tạo dựng uy tín, lòng tin và thu hút được các nhà đầu tư.
Cột mốc 2015
Sau một thời gian dài hoạt động, cấu trúc hệ thống ngân hàng cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với sự chuyển động của nền kinh tế. Bởi vậy, mới đây Chính phủ ban hành quyết định về đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước thực thi đề án này, ông nhìn nhận vấn đề trên và đánh giá triển vọng như thế nào?
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và nghiên cứu, tiếp thu các bài học kinh nghiệm quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện và báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là đề án được ban hành sớm nhất, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan thường trực thực thi đề án đã chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, theo đúng lộ trình nêu tại đề án và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, kỷ cương kỷ luật ngành ngân hàng từng bước được củng cố; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được đảm bảo; vấn đề nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý; việc tái cơ cấu được tiến hành đồng bộ, quyết liệt với những giải pháp phù hợp trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn lực tư nhân, hạn chế tối đa nguồn lực Nhà nước trong xử lý các yếu kém của hệ thống; hầu hết các tổ chức tín dụng nhận thức được tầm quan trọng cũng như cơ hội, thách thức trong quá trình tham gia công cuộc tái cơ cấu và đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tái cơ cấu dài hạn nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững; dư luận xã hội ngày càng có sự đồng thuận, chia sẻ với việc triển khai tái cơ cấu ngành.
Bên cạnh một số kết quả khả quan đã đạt được, Ngân hàng Nhà nước nhận thức được những thách thức, khó khăn phải đối mặt, đặc biệt trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu của hệ thống như khuôn khổ pháp lý, nguồn lực tài chính công hạn chế để có thể hỗ trợ cho quá trình khắc phục triệt để các yếu kém của hệ thống.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong bối cảnh điều kiện kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, vì vậy, việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia xử lý các vấn đề của hệ thống không thuận lợi.
Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng, đến năm 2015, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng về cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
FID báo cáo sai khoản lỗ
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Cột tin quảng cáo