Sáng 15/8, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã bỏ phiếu thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là lần thẩm định thứ 4. Đa số các thành viên đều nhất trí nhận định Báo cáo đầu tư Dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, "Báo cáo đầu tư Dự án vẫn chưa thật thoát ý, có tính thuyết phục cao về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thay vì tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa ", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND Tp.HCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư sân bay quốc tế Long Thành cũng như cần bổ sung, phân tích căn cứ, điều kiện để sân bay Long Thành có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm như mục tiêu đề ra; làm rõ quy mô đầu tư, tính liên thông của hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế Long Thành.
Về quy mô diện tích xây dựng Dự án, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc triển khai sân bay quốc tế Long Thành trên diện tích 5.000 ha với tổng mức đầu tư 8 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách Nhà nước và ODA chiếm hơn 4 tỷ USD, số còn lại sẽ được huy động từ các nguồn vốn khác đồng thời đồng ý kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép tách GPMB thành 1 tiểu dự án riêng giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai sớm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8/2014 và cảnh báo "Việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành là điều hết sức cần thiết, phải triển khai ngay sớm nhưng với chất lượng Báo cáo đầu tư còn nhiều hạn chế sẽ rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội".
Theo kế hoạch, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2014. Nếu được đầu tư ngay, sân bay quốc tế Long Thành có thể khai thác sau năm 2020 với công suất 100 triệu khách/năm.
Việc đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được đưa ra sau khi Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam có báo cáo về sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, hiện lưu lượng vận chuyển hàng của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã có sự tăng trưởng vượt xa so với dự kiến. Tính đến năm 2013, lưu lượng khách đã đạt hơn 20 triệu khách, theo mức tăng trưởng bình quân, đến năm 2017 cảng sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm và những năm sau đó sẽ quá tải.
Còn lãnh đạo UBND Tp.HCM thì cho rằng: địa phương này không thể kham nổi sức ép giao thông trong trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất nới công suất tối đa từ 20 triệu khách hiện nay lên 25 triệu khách. Theo lãnh đạo TP.HCM, để đáp ứng việc nới công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM phải đầu tư ít nhất 4 - 5 tỷ USD cho hệ thống giao thông kết nối như hệ thống đường bộ trên cao, đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, do sân bay Tân Sơn Nhất nằm giữa trung tâm Tp.HCM nếu tiếp tục mở rộng công suất sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị khi bị khống chế về tĩnh không, phễu bay.
Hồi tháng 3, Dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thống nhất báo cáo Thủ tướng sau hai lần thẩm định với số phiếu tán thành 13/16. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phải hoàn thiện báo cáo đầu tư để trình hội đồng thẩm định lại.
Theo DĐDN