Thông thụ - Điểm đến của các phượt thủ
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử
Nằm ở phía Bắc huyện Quế Phong, Thông Thụ được biết đến là địa phương có bề dày về truyền thống văn hóa và lịch sử. Vùng đất này cách đây hàng trăm năm đã có con người sinh sống. Theo gia phả của dòng họ Lô (Hún Lò), vào năm 1723, vùng mường Piệt đã có đồng bào Thái sinh sống. Hiện nay, 100% dân số của xã là đồng bào dân tộc Thái, người dân nơi đây rất thân thiện, mến khách và còn lưu giữ được nhiều truyền thống quý báu của mình như dệt thổ cẩm, uống rượu cần,…
Trong quá trình phát triển, các thế hệ người dân nơi đây luôn đoàn kết cùng nhau chống thiên tai, địch họa để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỳ XIX, hai người con của xã là Quản Thông (tên thật là Lang Văn Ót) và Quản Thụ (Lang Văn Cáng), đã vận động nhân dân đứng lên tham gia phong trào, đánh Pháp. Sau cách mạng tháng 8/1945, để ghi nhớ công lao, chính quyền cách mạng đã lấy tên của hai ông ghép lại để đặt tên cho xã, tên xã đó là xã Thông Thụ. Trong kháng chiến chống Pháp, xã là nơi có thiếu sinh quân đầu tiên của huyện; là nơi đánh thắng trận đầu tiên (11/1947) trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân huyện Quỳ Châu cũ; là 1 trong 5 đơn vị có sự hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (1/2/1950).
Trong kháng chiến chống Mỹ, toàn xã được tặng 3 cờ luân lưu, 30 bằng khen và 50 giấy khen cho tập thể, 16 bằng khen và 33 giấy khen cho cá nhân. Trong đó điển hình là vào tháng 6/1966, dân quân của xã bắn rơi một chiếc máy bay phản lực HU16 của Mỹ. Là đơn vị duy nhất của huyện Quế Phong bắn rơi máy bay Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 996 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc nước ta. Với các thành tích đó, ngày 20/10/1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho xã Thông Thụ vì các thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống đó, trong thời kỳ đổi mới, Thông Thụ được biết đến là xã có tăng trưởng kinh tế cao của huyện; là nơi có nhiều công trình lớn được xây dựng như Thủy điện Hủa Na, cửa khẩu Thông Thụ…
Những cảnh đẹp hùng vỹ
Từ Vinh, đi theo đường Quốc lộ 1A, ra đến ngã 3 Yên Lý, theo đường Quốc lộ 48, di thêm 160 km nữa là đến xã Thông Thụ. Thông Thụ có những cung đường rất đẹp, có đoạn hai bên là đá cao dựng đứng như đường vào Tây Xuyên của quân Thục trong phim Tam Quốc; có đoạn bên là núi đồi thoai thoải với màu xanh ngút ngàn của tre, nứa, keo, một bên là dòng sông uốn lượn thơ mộng; có đoạn một bên là bản làng người Thái với những ngôi nhà sàn cao, san sát nhau lấp ló sau những rặng cây, một bên là hồ Thủy điện Hủa Na.
Hồ thủy điện Hủa Na là một cảnh đẹp được ví với hồ Ba Bể, ở đây nước lặng, trong xanh, ở giữa có nhiều ngọn núi nổi lên; vào lúc sương mù, ở đây giống như chốn bồng lai tiên cảnh. Suối Piệt, là con suối chảy lưng chừng núi, nước bốn mùa trong xanh, mát lạnh. Mỏm đồi Pù Piệt, là nơi nghĩa quân của Lê Lợi đóng thành, đứng ở đây có thể ngắm bao quát toàn bộ xã Thông Thụ trông giống như một bức tranh thủy mạc hùng vỹ. Cửa khẩu Thông Thụ là một nơi rất hấp dẫn, nơi đây có cột mốc 363. Từ đây thêm 1 giờ chạy xe, sẽ tới các bản làng của người Lào, ở đây họ bán rất nhiều đặc sản như rau cải ngọt, măng, gạo Mông, thú rừng như sóc, kỳ nhông, kỳ đà, rượu cần…
Ẩm thực dân giã
Không chỉ có cảnh đẹp hùng vỹ mà ở đây ẩm thực của người dân Thông Thụ rất phong phú. Các món ăn của đồng bào dân tộc Thái nơi đây rất dân giã nhưng ngon, như cá mát nấu canh chua, măng đắng luộc, chạch sú nấu canh, nòng nọc nướng lá chuối, cá nướng ăn với rau rừng… Trong đó, cá Mát sông Chu là đặc sản nổi tiếng của cả vùng. Từ xưa trong dân gian đã có câu để nói về cá mát sông Chu đó là: Trèo Bù Cao Mạ, ăn cá Mát sông Chu. Bù Cao Mạ là một dốc núi cao ở trong xã Thông Thụ, đi qua đó rất vất vả, khó nhọc, nhưng qua được đó sẽ được ăn món cá Mát sông Chu tuyệt hảo.
Trong tiết trời mát lạnh của buổi chiều bản Lốc, ngồi trên nhà sàn, uống rượu cần và nhâm nhi các món ăn dân giã, nhìn ra lòng hồ thủy điện Hủa Na trầm mặc, nghe những câu chuyện bằng tiếng Thái, những điệu luôn, điệu khắp… sự thi vị của con người và núi rừng nơi đây sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách tới thăm quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo