Thu bạc triệu mỗi ngày nhờ rẹm
Hàng năm, cứ vào độ giữa thu trở đi, bà con ven các con kênh nối với các cửa biển tại các huyện Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời (Cà Mau) lại bắt tay vào vụ thu hoạch rẹm (rạm). Năm nay giá rẹm duy trì ở mức cao nên người dân có nguồn thu nhập khá từ loài con đặc sản “trời cho”.
Mùa thu hoạch sẽ kéo dài đến khoảng tháng 11 (âm lịch) thì kết thúc. Tuy sản lượng rẹm không tăng nhiều nhưng nhờ có giá nên đã giúp nhiều hộ dân thu bạc triệu mỗi ngày. Bà con thu hoạch rẹm tại ấp Rau Dừa, xã Phú Mỹ (Cái Nước) cho biết, rẹm năm nay giá cao, lúc thấp nhất cũng được 18.000đ/kg, còn bình thường phải từ 20.000đ/kg trở lên. Thời gian đầu mùa, rẹm được thương lái thu mua tại nhà với giá lên tới 25.000đ/kg.
Anh Nguyễn Văn Tâm, ở xã Phú Mỹ (huyện Cái Nước) chia sẻ: Năm nào cũng thế, cứ khoảng thời gian này, người dân lại lập “ma trận” bằng đầy rẫy những cái lú, đáy dưới các con kênh để bắt rẹm. Năm nay sản lượng rẹm cũng khá, đặc biệt giá cao hơn năm trước gần chục ngàn đồng/kg, nên bà con phấn khởi. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến sông từ ngã rẽ QL1A về trung tâm huyện Trần Văn Thời, đoạn đường chỉ 7 km, đi qua các xã Phú Mỹ (Cái Nước), xã Phong Lạc, Lợi An (Trần Văn Thời), đăng đó bạt ngàn, gần như nối đuôi, đối đầu nhau, cái bên phải, cái bên trái tạo nên vòng vây để đơm rẹm.
Anh Huỳnh Văn Trận (ở xã Lợi An), một hộ dân đã quá quen đường đi, lối lại của rẹm cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu mùa mưa, ấu trùng rẹm sẽ theo nước biển lên, chảy ngược vào các con kênh. Rồi sinh trưởng đến khoảng tháng 8 (âm lịch) sẽ trưởng thành và tìm đường trở lại biển khơi. Đây cũng là lúc mùa đánh bắt bắt đầu… Nhà anh Trận làm 3 cái lú và hai miệng đáy (đáy và lú có chức năng như nhau nhưng đáy lớn hơn lú nhiều lần), mỗi tháng hai con nước vào dịp ngày rằm và 30 âm lịch, nếu trúng mùa rẹm anh thu hàng chục triệu đồng/tháng.
Theo anh Trận, rẹm dịp con nước rằm đang thu hoạch, 1 cái đáy mỗi ngày cho anh bình quân 30 kg rẹm, một cái lú từ 5 – 10 kg. Anh thu bạc triệu trong các ngày này là bình thường. Tuy nhiên mỗi con nước rẹm trúng như thế chỉ được vài ngày.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước cho biết: Khi mùa rẹm đến, một bộ phận lao động nhàn rỗi địa phương sẽ có thêm việc làm thời vụ. Đặc biệt, rẹm năm nay trúng giá nên nhiều hộ dân có thu nhập cao. Nhiều gia đình có thêm khoản thu cả chục triệu đồng/tháng từ nguồn thu tự nhiên này.
Từ kinh nghiệm của người dân địa phương, những ngày rẹm đi mạnh người dân bắt được nhiều là những ngày nước thật lớn. Trong tháng sẽ tập trung vào giữa tháng các ngày 15,16,17 (âm lịch) và cuối tháng cũng được vài ba ngày như thế. Những ngày tiếp theo rẹm cũng có nhưng số lượng ít. Cũng theo các hộ đánh bắt rẹm tại đây, trong các ngày nước lớn, mỗi ngày họ phải đổ lú và đáy đến 3 lần vào các buổi sáng, chiều và nửa đêm.
Nếu không đổ rẹm vào đầy đục sẽ làm “bể” cả đuôi lú, đuôi đáy. Nghe người dân nói chúng tôi cũng giật mình, nhưng hỏi ra mới biết không phải rẹm vào nhiều “bể” mà là số lượng rẹm quá nhiều và ở trong đục lâu chúng sẽ cắn rách đuôi đục tìm đường tẩu thoát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay rẹm có giá cao là do đầu ra rộng mở, có bao nhiêu bán được bấy nhiêu. Các thương lái địa phương cho biết, năm nay rẹm không bị mất giá là do được các mối lớn trên Cà Mau đưa xe tải xuống “bảo kê” đầu ra. Rẹm được đưa đi tiêu thụ ở các thành phố lớn. Rẹm mùa này rất mẩy, thịt thơm ngon và như đã trở thành đặc sản của miền quê Cà Mau nên rất được chuộng nơi thị thành.
Anh Nguyễn Vũ Lâm, thương lái gom rẹm đưa đi TP.HCM cho biết, cứ đến con nước lớn, các thương lái địa phương sẽ cho biết và anh đánh xe tải xuống nhận hàng chuyển đi Cần Thơ, TP.HCM giao cho các cơ sở và nhà hàng. Hàng ngày anh chuyển đi 3 – 4 tấn rẹm là bình thường. Hiện nay không chỉ các quán ăn, nhà hàng “hút” rẹm, mà người dân thành thị rất thích. Họ dùng rẹm để chế biến các món ăn gia đình như bún riêu, rẹm rang me
End of content
Không có tin nào tiếp theo