Tin tức - Sự kiện

Thu hồi đất, người dân phải được hưởng chênh lệch địa tô

“Xử lý chênh lệch địa tô, luật hướng tới quy định để người dân cùng được hưởng khoản chênh đó. Giá đất bồi thường, đền bù sẽ lấy từ chính khoản chênh lệch địa tô” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời những khúc mắc về luật Đất đai sửa đổi.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang rất được quan tâm, với kỳ vọng có thể tháo gỡ tình trạng khó phân giải về việc xác định giá đất, thu hồi, bồi thường đất. Là cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không nêu rõ trong luật mà giao cho Chính phủ quy định. Cách thức cụ thể sẽ dự kiến thế nào thưa ông?

 

Cách thức cụ thể sẽ được bàn bạc. Dự thảo vẫn quy định Nhà nước ban hành khung giá. Nhưng khác với trước đây, khung giá chỉ quy định cho các vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Còn dự thảo mới sẽ quy định dày hơn, chi tiết hơn như quy định ban hành khung giá cho khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Như vậy, giá sẽ đảm bảo độ chính xác hơn.

 

Một vấn đề nữa là khung giá sẽ vẫn tồn tại ổn định trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở khung giá đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá. Tất nhiên, bảng giá này cũng có sự thay đổi. Hiện có ý kiến cho rằng, bảng giá sẽ tính nhiều nội dung, bao gồm các loại phí và lệ phí khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bảng giá này chỉ tính một số nội dung; nội dung khác sẽ có giá riêng khi bồi thường.

 

Yêu cầu định giá sát giá thị trường ở đây có nghĩa là tham khảo giá. Tuy nhiên, đi vào cụ thể vấn đề này sẽ hết sức phức tạp, phải làm kỹ hơn như lập các cơ quan chuyên về định giá. Việc này sẽ được quy định trong các nghị định, không thể quy định hết trong luật.

 
Tôi biết giá đất là vấn đề mọi người đang hết sức quan tâm và hướng tới chúng ta sẽ xử lý được vấn đề đó. 

 

Việc xác định giá đất bồi thường không đúng với giá thị trường là một nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện đất đai hiện nay. Vì sao dự thảo không áp dụng quy định trưng mua, trưng bán như Hiến pháp đã thể hiện mà vẫn giữ quan điểm thu hồi đất?

 

Việc này được quy định tại hiến pháp và được quy định cụ thể trong luật Đất đai. Nếu đất tư nhân hóa như Nhật, Ý, việc sử dụng đất vào mục đích công cộng sẽ rất khó. Ví dụ, làm đường cao tốc là có biểu tình. Hiện nay, chúng ta đang trong công cuộc hiện đại hóa, nếu không xử lý được vấn đề này sẽ rất khó khăn.

 

Liên quan đến quy định thu hồi đất, có ý kiến cho rằng dự thảo luật vẫn mù mờ trong việc phân định dự án công cộng và dự án thương mại để có những cơ chế khác nhau, tránh làm lợi lớn cho nhà đầu tư mà người mất đất lại thiệt thòi?

 

Việc này sẽ được nghiên cứu, quy định rõ. Các dự án quốc phòng thì dễ xác định nhưng dự án vì mục đích công cộng, tiêu chí ra sao sẽ có quy định cụ thể trong Nghị định Chính phủ.

 

Vậy theo ông, hướng xử lý chênh lệch địa tô thế nào để tránh tình trạng "dân thiệt, nhà nước không được bao nhiêu, chỉ nhà đầu tư là lãi lớn" này?

 

Hướng thay đổi là quy định để người dân cũng được hưởng một phần trong khoản chênh lệch đó. Chẳng hạn, việc người dân được hỗ trợ đền bù, lấy từ chính khoản chênh lệch địa tô, nhưng trong luật chúng ta chưa nói thẳng ra như vậy. Hướng này sẽ khắc phục được vấn đề.

 

Trong giải phóng mặt bằng, trước nay chúng ta luôn hô hào khẩu hiệu để người dân có chỗ ở tốt hơn. Nhưng việc thực hiện thời gian qua chưa hẳn đã tốt. Bộ trưởng cho biết có điểm gì cải thiện hơn trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần này?

 

Đó là mong muốn của chúng ta, thể hiện trách nhiệm với người dân. Trách nhiệm này được đặt ra với những người thực thi công vụ và những người thực hiện chính sách. Còn về giá, giá đất hiện nay là do đầu cơ mang lại, không phải là giá thực. Việc xác định tiêu chí thế nào là sát giá thị trường cũng phải xem xét lại. Việc xây dựng giá đất gần với giá thị trường ở đây chỉ có ý nghĩa tham khảo mà thôi.

 

Hiện nay, các dự án sử dụng vốn của nước ngoài, yêu cầu về đền bù, bồi thường thu hồi đất rất cao. Vì sao chúng ta không áp dụng?

 

Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Làm gì cũng cần nghĩ đến lợi ích của người dân, nếu người dân được thì Nhà nước cũng được. Ai cũng nghĩ được vậy thì quá tốt.

 

Công tâm đánh giá, Bộ trưởng có cho rằng những thay đổi như trong dự thảo luật nêu ra sẽ  giải quyết được những vấn đề bức xúc về đất đai hiện nay?

 

Dự thảo lần này đặt ra nhiều mục tiêu. Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn. Thứ hai là công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn khi người dân có lợi hơn, hài hòa lợi ích giữa người có đất, nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba là giảm khiếu kiện và tham nhũng đất đai.

 

Tất nhiên sẽ còn nhiều việc phải bàn, không thể giải quyết ngay được. Có người cho rằng nên tư nhân hóa hết. Nếu như vậy, đất của người nào cứ khư khư giữ lấy thì còn cần phải làm gì nữa.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo