Thu hồi nhà công vụ: Làm được dân mới tin
Trước những tồn tại trong quản lý biệt thự, nhà công vụ, trong đó vẫn còn không ít trường hợp quan chức không còn đủ tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ nhưng chưa trả lại nhà, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
PV: Vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thẳng thắn nói với cử tri TP.Hồ Chí Minh sẽ kiên quyết rà soát, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể, kể cả quan chức chưa trả nhà công vụ. Ở góc độ cá nhân, ông đánh giá thế nào về quyết tâm này của Trung ương?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Đầu tiên cần thống nhất khái niệm "Nhà công vụ” là loại nhà mà người được ở trong đó để làm việc công. Những người đó là đầy tớ của dân hay lịch sự, trân trọng một tí thì gọi là công bộc. Để tạo điều kiện cho các công bộc của dân được an cư để lạc nghiệp, Nhà nước cấp nhà cho cán bộ ở để có điều kiện yên tâm làm việc. Tôi thí dụ trường hợp của bản thân tôi trước đây, chúng tôi dạy học ở Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội thì được nhà trường bố trí cho ở tập thể trong ký túc xá của trường.
Thế thôi. Việc làm đó của nhà trường đạt hiệu quả một công đôi việc. Khi tôi chuyển công tác vào Trường ĐHBK TP Hồ Chí Minh thì đương nhiên là trả lại nhà cho Trường ĐHBK Hà Nội. Vì vậy, điều Chủ tịch nước nói với cử tri TP.HCM như trên là hoàn toàn hợp tình hợp lý và hợp pháp nữa. Điều kiện tiên quyết là phải có chính sách cấp nhà công vụ để có căn cứ mà thi hành. Tôi tán thành điều đó và mong là Nhà nước nói được thì phải làm được.
Là nhà nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về thực trạng nhà công vụ: ai quản lý, ai đòi lại vẫn "nhập nhèm” dẫn đến bất cập, chính luật pháp cũng không biết quy cho ai, cơ quan nào hiện nay?
- Khi đã có chính sách cấp nhà công vụ thì quyết định cấp ‘nhà công vụ’ cho ai đó thì cứ theo đúng tiêu chuẩn quy định mà làm. Sau khi có quyết định thì Cơ quan quản lý quỹ nhà công vụ căn cứ vào quyết định đó mà hoàn thành "Hợp đồng giao nhà” cho đối tượng được cấp nhà công vụ.
Trong hợp đồng cũng phải có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm bên giao và nghĩa vụ bên nhận đối với tài sản công cũng như các điều kiện đi kèm, kể cả quy định về thời hạn sử dụng. Những năm qua, bởi chính bản thân các cơ quan quản lý nhà nước chưa có quy định rạch ròi mang tính pháp lệnh về chính sách cấp nhà công vụ cho nên hiện nay mới tồn tại những trường hơp không rạch ròi trong việc sử dụng, thu hồi nhà công vụ mà điển hình như hai trường hợp cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền và cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đang gây dư luận không lấy gì làm tốt đẹp trên các phương tiện truyền thông.
Theo tôi nghĩ, để xảy ra tình trạng này cái thiếu sót chính là do cơ quan quản lý Nhà nước đã không quy định thành văn bản mang tính pháp lệnh về chính sách cấp nhà công vụ. Còn là công bộc cỡ nào đó theo pháp quy thì còn được hưởng chế độ được ở Nhà công vụ riêng, phù hợp tiêu chuẩn quy định. Khi không còn lãnh trách nhiệm làm công bộc nữa thì phải trả nhà cho Nhà nước. Đó là nguyên tắc và cũng rất công bằng, minh bạch.
Theo của các cơ quan chức năng gửi Văn phòng Chính phủ, hiện nay cả nước có gần 61.250 nhà công vụ, với trên 1,6 triệu m2 sử dụng sử dụng, đa số ở vị trí đắc địa, trong đó có hàng trăm biệt thự. Theo ông, đã đến lúc chúng ta nên công khai trước dân vấn đề này không?
- Theo tôi suy nghĩ, đã đến lúc xã hội phải hoàn thiện các quy ước chung. Lâu nay, cuộc sống chưa bộc lộ những lấn cấn, thậm chí những nút thắt mang tính đối kháng trong quản lý. Để có căn cứ giải toả, lại phải dựa vào luật pháp. Vì vậy, để giải quyết tốt những ách tắc không đáng có trong đời sống xã hội, bước đầu tiên là phải công bố luật liên quan, ví dụ Luật sử dụng nhà công vụ. Sau khi Quốc hội thông qua luật này thì cứ chiếu luật mà làm. Đó là công khai, là công bằng, là văn minh.
Ông có cho rằng, nếu không giải quyết cụ thể từng trường hợp quan chức chưa trả nhà công vụ, sẽ dẫn đến hệ quả "tham ô, tham nhũng” vẫn là bức tường khó công phá muôn thuở hay không?
- "Bức tường” tham ô tham nhũng nó không có ngay từ sau Cách mạng tháng 8 nhưng nó đã được những công bộc tà tâm, không ai bảo ai xây nó mà nó được hình thành một cách ngấm ngầm. Viên đá xây tường tham nhũng đầu tiên rúng động một thời là do Cục trưởng Cục Quân nhu – Đại tá Trần Dụ Châu thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) đặt.
Bác Hồ đã bác đơn xin ân xá tội tử hình đối với ông đại tá Cục trưởng này. Điều đáng tiếc là qua mấy chục năm đất nước được tồn tại trong hoà bình thì cái bức tường tham ô tham nhũng trên lại được hình thành khắp nơi với muôn hình vạn trạng, từ thấp đến cao, từ mỏng đến dày và đang trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm thực sự rồi. Nếu toàn Đảng toàn dân không quyết tâm đồng loạt động viên hình thành đội ngũ diệt giặc nội xâm thì ước mơ xã hội công bằng văn minh cũng vẫn chỉ là điều ước.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo