Thu lời 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ 50m2 nuôi dế
Bà Thái Kim Hoa, 63 tuổi, một giáo viên về hưu, hiện ngụ tại khóm 1, phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Sau ngày về hưu (năm 2010), bà Hoa đã tham gia công tác đoàn thể địa phương và làm nhiều nghề khác nhau để cải thiện cuộc sống gia đình.
Trong thời gian đó bà đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi để theo dõi tin tức về các mô hình kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là nuôi dế. Nhận thấy đây là mô hình hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao nên bà thường xuyên theo dõi báo, đài và mạng Internet để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi dế.
Cũng trong thời gian này, bà được một người cháu tặng cho 2 ổ trứng dế (giống dế Thái) đem về nuôi để gây đàn. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, bà thấy dế rất dễ nuôi, tăng đàn nhanh, phát triển mạnh, ít hao hụt. Thế là bà bắt đầu chỉnh trang chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi để tăng đàn.
Không bao lâu, nhiều người đã đến hỏi mua, giá cả ổn định, tạo niềm phấn khởi, giúp bà mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, mỗi ngày trại dế của bà có thể xuất từ 10 - 15kg dế thương phẩm (mỗi kg dế trưởng thành ước độ 1.400 con).
Bà chia sẻ: Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nhất là thời điểm dế đẻ trứng, nở con, tách đàn nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau đó bà rút kinh nghiệm và đọc thêm nhiều tài liệu hướng dẫn, nhờ vậy đã vượt qua những trở ngại ban đầu và nắm vững kỹ thuật từ khâu ấp trứng, gây đàn cho đến lúc xuất chuồng.
Theo kinh nghiệm của bà, dế là loài vật sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió.
Loài dế rất mẫn cảm với thời tiết. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh chúng sẽ phát triển chậm, đẻ ít. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, lá lợp nhà, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên.
Thời gian sinh trưởng của dế rất ngắn. Từ lúc nở con đến lúc trưởng thành chỉ mất 40 – 50 ngày tuổi là có thể xuất chuồng, 60 ngày bắt đầu đẻ. Thịt dế ngon nhất là dế sữa độ 40 – 50 ngày tuổi.
Thức ăn chính của dế là bột bắp, bột đậu nành xay nhuyễn. Ngoài ra chuồng trại cần để nước thường xuyên cho dế uống. Về kỹ thuật nuôi, bà Hoa nhốt chung cả dế trống và dế mái. Khi nào dế trưởng thành bà sẽ nhốt riêng cho dế mái đẻ trứng. Sau khi nở, dế con được nhốt riêng từng chuồng tùy theo lứa tuổi.
Hiện đàn dế của bà không đủ cung cấp cho khách hàng. Bình quân mỗi ngày bà bán ra 10kg dế với giá từ 100.000 – 130.000đ/kg cho người mua làm mồi nuôi chim, gà, cá kiểng và làm mồi câu cá. Riêng đối với dế thịt hoặc dế sữa có giá 200.000đ/kg. Bà cho biết, khách hàng bỏ mối đông nhất là ở Vĩnh Long, chiếm 90%. Số còn lại là ở các nơi khác...
Bà Hoa phấn khởi cho biết, từ nhiều năm qua trại dế của bà phát triển rất thuận lợi, chưa bao giờ gặp rủi ro về kỹ thuật hay bất trắc về giá cả. Tính ra, bình quân mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí bà còn lời trên 20 triệu đồng.
Từ hiệu quả đó đã giúp bà ngày càng tự tin vào mô hình nuôi dế. Hướng tới bà sẽ mở rộng thêm chuồng trại nuôi để nâng cao sản lượng dế và tăng thu nhập cho gia đình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo