Thị trường

Thu nhập cao nhờ nuôi cá dìa trong ao đất

Cá dìa có hình bầu dục dẹt hai bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, mầu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng mầu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển, trong đó phân bố nhiều nhất tại các vùng biển Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, cho nên người dân vùng biển tại một số tỉnh miền trung đã thu vớt giống tự nhiên đưa vào ương nuôi, bước đầu đã cho thu nhập cao.

Nuôi độc canh cá dìa, nuôi cá dìa xen ghép trong ao đất, nhất là tại các vùng nuôi tôm kém hiệu quả là giải pháp đã được một số hộ dân tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình áp dụng và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Cá dìa có giá trị kinh tế cao, thuộc loài cá rộng muối, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương, được thị trường ưa chuộng.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi cá dìa thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ của phường Phú Hải, TP Đồng Hới và xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch trên diện tích 4.000 m2, sau sáu tháng triển khai cho thấy, cá có tỷ lệ sống hơn 85%, trọng lượng thu hoạch trung bình 160 g/con, sản lượng ước đạt 800 kg.

Nuôi cá dìa cho thu nhập cao.

Với giá bán trên thị trường như hiện nay là 200.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu 160 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp hộ gia đình thu lãi hơn 82 triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi cá dìa mang lợi nhuận cao, anh Trần Văn Minh, ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã vào Thừa Thiên-Huế học tập kinh nghiệm, đến năm 2017, anh mua hơn 5.000 con cá giống từ Trung tâm giống tỉnh Thừa Thiên-Huế về thả nuôi.

Sau bốn, năm tháng nuôi, cá đạt từ 300 đến 350 g/con, sản lượng đạt hơn 1,3 tấn cá. Với giá bán 180.000 đồng/kg, anh thu về hơn 140 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Anh Minh cho biết, cá dìa là đối tượng nuôi có phổ môi trường rộng, kỹ thuật nuôi đơn giản, lớn nhanh, tỷ lệ sống cao. Cá ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ cho nên cá dìa rất phù hợp để nuôi trong các ao nuôi tôm kém hiệu quả giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro do dịch bệnh phát sinh.

Đặc biệt, cá dìa rất ưa thích ăn rong câu, vì vậy cần chú trọng thả thêm rong câu để làm thức ăn cho cá nhằm giảm chi phí sản xuất và bổ sung thêm cám, thức ăn công nghiệp hàm lượng đạm 20 đến 25%.

Nên đọc
Theo Báo Nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo