Thị trường

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng

Ngày 15/3, tại hội thảo Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý IV/2017, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, do kinh tế tiếp tục khởi sắc, nên thu nhập của lao động làm công hưởng lương tháng tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Lao động trình độ đại học, thu nhập cao nhất

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua (7,7%) chủ yếu do đóng góp từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Cùng với đó, số DN mới và tổng số DN đang hoạt động tăng đã góp phần gia tăng số người có việc làm và giảm thất nghiệp.

Điều này được thể hiện rõ trong bản tin thị trường lao động quý IV/2017 với 54,05 triệu người có việc làm, tăng 282,8 ngàn người so với quý trước. Trong đó, có 23,48 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 43,44%. Đặc biệt, lần đầu tiên, lao động ngành nông lâm thủy sản giảm từ 41,54% trong quý IV/2016 xuống 39,55% trong quý IV/2017.

 Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng.

Trong quý IV, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ so với quý III, nhưng chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế cùng kỳ. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,41 triệu đồng, tăng 45.000 đồng (0,8%).

Thu nhập của lao động nữ vẫn thấp hơn nam, tương ứng 5,07 triệu đồng so với 5,66 triệu đồng. Thu nhập bình quân tháng của lao động diện này ở khu vực nông thôn thấp hơn, với 4,73 triệu đồng. Ở khu vực tập thể, người lao động có thu nhập bình quân tháng thấp nhất với 4,19 triệu đồng, tuy nhiên, đây lại là khu vực có tỷ lệ tăng cao nhất với 10%. Khi tính theo bằng cấp, chứng chỉ, lao động trình độ đại học (ĐH) có thu nhập cao nhất (7,74 triệu đồng/tháng), thấp nhất là trung cấp (5,7 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ, nhóm trình độ sơ cấp lại tăng cao nhất là 351.000 đồng, 5,8%. “Đa số lao động trình độ sơ cấp làm ở khu vực chế biến chế tạo và có thời gian làm việc dài hơn 10% so với lao động ở nhóm CĐ, ĐH nên thu nhập nhiều hơn” - ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội giải thích.

Thất nghiệp của nhóm thanh niên giảm mạnh nhất

Bản tin thị trường lao động quý IV thể hiện rõ, tình hình thất nghiệp giảm về số lượng và tỷ lệ. Thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động trình độ ĐH trở lên giảm đáng kể so với 3 tháng trước. Cụ thể, cả nước có 1.070.200 lao động thất nghiệp, giảm 3.600 người. Trong đó, 215.300 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, giảm 21.700 người. Nhóm trình độ CĐ có 78.800 người thất nghiệp, giảm 6.000 người. Còn nhóm trình độ trung cấp có số thất nghiệp giảm nhiều nhất (30.900 người) còn 64.600 người.

 

Tính về tỷ lệ, thất nghiệp CĐ chiếm tỷ lệ cao nhất 4,32%. Điểm đáng ghi nhận, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên giảm mạnh nhất, từ 7,80% quý III/2017 sau 3 tháng còn 7,07%, tương ứng 545.900 người không có việc làm. Thông tin thêm về tình hình thất nghiệp, ông Vinh cho biết: “Cơ cấu của thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thất nghiệp các nhóm trình độ cũng giảm cho thấy bức tranh sử dụng lao động đã qua đào tạo khá tốt, đặc biệt là trình độ cao”.

Theo dự báo tăng trưởng GDP trong quý 1/2018 khoảng 6,3%, cả năm có thể đạt trên 6,8% sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường lao động. Từ căn cứ này, ông Đào Quang Vinh khẳng định quý I/2018 tổng số việc làm đạt khoảng 54,20 triệu, tăng 150.000 người so với quý IV/2017.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước và tác động đến nhu cầu sử dụng lao động là: Sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; khai thác quặng kim loại; sản xuất kim loại; sản xuất giường, tủ, bàn ghế; thoát nước và xử lý nước thải. Một số ngành như khai khoáng, sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất phân phối điện, nông lâm thủy sản được dự báo sẽ giảm lao động.

Nên đọc
Theo Kinh tế & Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo