Thu nhập người Việt sắp bị Lào, Campuchia vượt qua
Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu thời gian tới Việt Nam không đổi mới sẽ tụt hậu. Chỉ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua.
Ngày 10/10, ông Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”, do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức.
Theo ông Dũng, kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm. Từ 2013 tới nay, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng chưa như kỳ vọng.
Điều này do các tác động tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả. Tăng trưởng dựa nhiều vào vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp.
Thứ trưởng Dũng đặt ra hàng loạt câu hỏi cho những chuyên gia tại hội thảo, như Việt Nam đang nằm ở đâu, đi tới đâu, đi bằng cách nào trong 10 năm tới. Tại sao trong bối cảnh như nhau, các nước vẫn phát triển tốt, còn ta vẫn chậm và mong manh…?
“Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình, đó là điều đáng buồn. Đã tới lúc kinh tế nước ta cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển”, ông Dũng nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TSKH Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng KH&ĐT) cho biết, nếu GDP chỉ tăng 5-6% mỗi năm là quá tụt hậu. Ông đưa ra phép tính, trong các dự án đầu tư công, lãng phí và tham nhũng chiếm tới 30-40% tổng vốn đầu tư một dự án. Chỉ cần giảm một nửa số đó có thể tăng thêm 1-2% GDP; hay bớt đi một Vinashin, Vinalines cũng đủ.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay chúng ta quá coi trọng các DN nộp nhiều thuế mà quên các DN nhỏ trong nước, nhưng “quên” so số thuế thu được với những nguồn lực, ưu đãi DN đó nhận được.
Bà Lan dẫn chứng, các tập đoàn nhà nước, hay những Samsung, Formosa… có thể đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng những ưu đãi miễn thuế, ưu tiên nguồn lực cho họ cũng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế, các chính sách không phân biệt loại hình DN, nhưng khi triển khai thường ưu tiên DN nhà nước nhiều hơn tư nhân. Ngoài ra, ai cũng thừa nhận vai trò DN tư nhân rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng kinh tế nhà nước mới là chủ đạo. Kết quả, DN tư nhân bị “tận thu thuế”, mà không được nuôi dưỡng nguồn thu (bằng các chính sách ưu đãi)…
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người.
“Nếu GDP chỉ tăng 5-6% mỗi năm là quá tụt hậu. Theo đó, chưa cần tới các hiệp định thương mại tự do (FTA), chỉ cần sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả đã có thể đạt được”.GS.TSKH Nguyễn Mại
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Cột tin quảng cáo