Thu nhập tụt hậu, giá điện, 3G đòi tăng ngang thế giới
Một câu chuyện thời gian qua được bàn luận nhiều trên các diễn đàn thời gian gần đây đó là việc tăng giá điện, dịch vụ 3G, y tế, nước… và giải thích cho việc tăng này là giá thấp hơn khu vực và không theo giá thị trường.
Giới chuyên môn hiện đang có 2 luồng ý kiến, một cho rằng tăng giá đầu ra thì mới thu hút đầu tư và phải để thị trường áp giá, nhưng một mặt lại cho rằng không thể làm như vậy. Lý do là vì đem mức thu nhập của Việt Nam mà tiêu với giá khu vực thì chỉ có …. ‘chết’.
Giá theo chiều hướng tăng
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh.
Theo quyết định (2165/QĐ-Ttg) của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh nhưng cao nhất không vượt quá mức tối đa là 1.835 đồng/kwh và nếu điều chỉnh giảm sẽ không thấp hơn mức giá tối thiểu trong khung là 1.437 đồng/kWh.
Như vậy so với mức bình quân hiện nay (1.508,85 đồng/kWh) áp dụng từ ngày 1/8, giá điện bình quân tối đa đến năm 2015 sẽ tăng gần 22%.
Theo một lãnh đạo Bộ Công thương, giá điện của Việt Nam hiện nay đang thấp, chưa khuyến khích được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào ngành điện để đảm bảo nhu cầu điện trong tương lai có thể tăng cao.
Tuy nhiên ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, cho rằng: nếu thực hiện mức giá định hướng 1.835 đồng/kWh, cộng cả thuế sẽ thành khoảng 2.000 đồng/kWh, tức là giá điện ở VN đã tương đương giá điện các nước trong khu vực, khoảng 9cent/kWh.
Giá cước 3G tăng để cạnh tranh lành mạnh?
Sau động thái tăng giá gói cước 3G bất ngờ của 3 nhà mạng cách đây chưa lâu, mới đây Bộ TT&TT cho biết, đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường.
Trong lần tăng giá đầu tiên, từ mức 50.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng, ngay lập tức hành động này của 3 nhà mạng (Vinaphone, Viettel, Mobiphone) đã làm dư luận bức xúc.
Sở dĩ, người tiêu dùng phản ứng quyết liệt là bởi, trong cả 2 lần tăng giá (tháng 4 và tháng 10/2013) cả 3 nhà mạng đều không đưa ra được những lý do hợp lý, chỉ đơn giản rằng, họ đang lỗ do giá cước 3G đang thấp hơn giá thành, do đó phải nâng giá; phải dần dần đưa giá bán tiệm cận với giá thị trường.
Còn lý giải về việc tăng giá cước 3G tại diễn đàn Quốc hội mới đây thì Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cho rằng nâng giá cước viễn thông là để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh vì không được bán dưới giá thành.
Bộ trưởng Son dẫn chứng, hiện giá cước ở VN thấp hơn 34,9 % so với trong khối ASEAN và 34-57% so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, tuy đã tăng nhưng giá cước cũng chỉ mới bằng 50% giá thành.
Và cùng với lần điều chỉnh gần nhất đẩy giá dịch vụ 3G trung bình lên 20%, trong đó có một số gói tăng mạnh tới 40%, thậm chí hơn 300% (đối với gói USB 3G) đã giúp nhà mạng bỏ túi 500-600 tỉ đồng mỗi tháng.
Cùng với điện, 3G thì giá nước, dịch vụ y tế và hàng loạt dịch vụ, phí giao thông... cũng rục rịch theo chiều hướng tăng.
Nhưng thu nhập bao giờ ngang khu vực?
Trước những lý giải về việc tăng giá, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhìn vào giá thế giới để chạy theo, cũng cần phải nhìn lại thu nhập trung bình của người dân Việt Nam đã theo kịp được với thu nhập trung bình của thế giới hay chưa? Hay thực tế thu nhập của ta đang bị thế giới bỏ xa.
Mới đây tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra con số về thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, vào khoảng 1.960 USD trong năm 2013.
Con số này, nếu so với chính chúng ta thì nghe có vẻ khả quan bởi thu nhập của người dân Việt Nam năm 2013 đã tăng lên 23% so với năm 2012. Song, nếu so với mức thu nhập bình quân của thế giới, thì khoảng cách còn ở quá xa.
Cụ thể thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ là khoảng 50.000 USD, con số này ở Anh là khoảng 41.000 USD. Còn nếu so với các nước trong khu vực Việt Nam đã và đang tụt hậu so với Indonesia là 50 năm, so với Thái Lan là hơn 90 năm và so với Singapore là trên 150 năm.
Chính điều này mà GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Tiền lương giá cả luôn luôn phải tương xứng nhau. Không thể cứ nói tăng là tăng, áp theo giá thế giới hay khu vực để rồi bắt dân chịu lỗ thay cho doanh nghiệp.
Thực sự nếu nhìn con số trên liệu sẽ thật khó mà giải thích làm thế nào để giữa thu nhập và chi phí dịch vụ xứng tầm nhau, đó là còn chưa kể đến chất lượng có tương xứng nếu giá tăng.
Có một điều đặt ra, vậy trong câu chuyện tái cơ cấu cần áp luật chơi thị trường vậy vấn đề chất lượng cần được đặt ra như thế nào? Đó là còn chưa kể sự chi tiêu lãng phí những đồng tiên thu được từ dân. Ví như câu chuyện mà Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, ĐBQH đoàn Hà Nội đã nêu một thực tế về cách chi tiêu lãng phí, thất thoát trong các dự án đầu tư công.
Cụ thể đại biểu Thạch nêu ví dụ về làm đường cao tốc Việt Nam chi phí đến 12 triệu USD/km, trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Vậy vấn đề này nên đặt ngược lại như thế nào thì có lẽ vẫn là một câu hỏi lớn.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Cột tin quảng cáo