Tin tức - Sự kiện

Thu phí đường bộ: Hà Nội "mắng oan" cấp dưới?

Sau khi bị lãnh đạo TP Hà Nội kiểm điểm và yêu cầu rút kinh nghiệm trong tổ chức thu, nộp phí đường bộ, các huyện đã lên tiếng.

Huyện Chương Mỹ: Chúng tôi vẫn thu, sao nói không?

Theo báo cáo thu chi ngân sách của Hà Nội năm 2013, số phí sử dụng đường bộ với xe môtô trên toàn thành phố là hơn 55 tỷ đồng, chỉ đạt 21% so với số dự kiến là 261 tỷ đồng.
 
Trong hai tháng đầu năm 2014, phí sử dụng đường bộ với hơn 4,5 triệu xe máy là 1,5 tỷ, đạt 0,6% số dự kiến trong năm. Bốn quận, huyện chưa thu phí trong hai tháng qua là quận Cầu Giấy, các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín.
 
Đặc biệt, huyện Thường Tín không phát sinh số thu nộp ngân sách phí sử dụng đường bộ.
 
Hà Nội thu phí sử dụng đường bộ đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đề ra.
 
Với kết quả trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch các quận, huyện trên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, đôn đốc công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ tại địa phương.
 
Chủ tịch các quận huyện, thị xã khác cũng được yêu cầu chỉ đạo các phường xã, thị trấn đôn đốc các tổ dân phố tích cực triển khai thu, nộp phí sử dụng đường bộ xe máy theo quy định.
 
Liên hệ với các quận, huyện có tên trong danh sách bị phê bình, có nhiều huyện thì chưa nắm được thông tin, riêng huyện Chương Mỹ thì khẳng định đã tiến hành rất nghiêm túc.
 
Chia sẻ với Đất Việt, ông Bùi Kim Khiên, Chi cục trưởng, Chi cục thuế huyện Chương Mỹ cho biết: "Huyện chúng tôi đã nhận được thông báo phê bình của UBND TP về việc triển khai thu phí đường bộ".
 
Thế nhưng, theo ông Khiên thì: "Chương Mỹ đã triển khai thu phí này từ năm 2013, và 2 tháng vừa qua, đầu năm 2014, chúng tôi vẫn triển khai thu bình thường".
 
Có lẽ chỉ là công tác thu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, về việc này, ông Khiên khẳng định: "Chúng tôi đang rà soát lại xem nên làm như thế nào cho hiệu quả, chứ không phải không có tiếp thu".
 
Không chỉ vậy, theo ông Khiên, huyện của ông thời gian qua cũng thu được số tiền khá nhiều, để nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ.
 
Thậm chí, ông còn kể: "Thu tiền phí bảo trì đường bộ của xe máy, cả xã đều nộp chứ không phải là chúng tôi không triển khai".
 
Huyện Thường Tín: Chưa biết việc bị phê bình
 
Trong khi đó, liên hệ với ông Lê Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cũng cho biết là chưa nắm được thông tin về việc bị phê bình do chưa triển khai tốt việc thu phí đường bộ.
 
Được biết, theo quy định, mức phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe máy điện), loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 có mức phí từ 50 đến 100 nghìn đồng/năm; loại xe có dung tích xy lanh trên 100cm3, phức phí từ trên 100 đến 150 nghìn đồng/năm; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh mức phí là 2.160.000 đồng/năm.
 
Trong khi, đại biểu Nguyễn Đình Dương cho rằng, ở Việt Nam, phí bảo trì đã thu qua xăng dầu, song nay chuyển qua thu đầu phương tiện. Tuy nhiên, các quy định còn khá chung chung, thu phí với toàn bộ xe máy lưu thông trên địa bàn hay chỉ có xe đăng ký trên địa bàn.
 
"Áp dụng một mức phí trên nhiều loại đường là chưa hợp lý. Người dân đi nộp phí hay chính quyền đi thu? Ở nông thôn, thu phí không dễ thực hiện do quan hệ làng xóm nên khó đảm bảo công bằng. Cá nhân tôi đề xuất nên phân mức phí ở nội thành và ngoại thành cho phù hợp tính chất đường sá", ông Dương gợi ý.
 
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phong cho rằng, mức phí mà UBND đưa ra tương đối cao.
 
Thế nhưng, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, chủ trương thu phí bảo trì đường đã được Chính phủ quyết định, các địa phương có trách nhiệm thực hiện theo Luật. Hà Nội đề xuất mức thu cao do chi phí bảo trì đường bộ ở Hà Nội rất cao.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo