Thứ trưởng Bộ Công thương lên tiếng về chuyện đi bán dưa hấu
Chuyện dưa hấu, hành tím được mùa mất giá lại được hâm nóng tại Tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (27/4).
Quý I/2015, xuất khẩu nông lâm sản sụt giảm 13,2%, đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản, giảm từ 20-40%. Thêm vào đó, câu chuyện dưa hấu, hành tím… ùn ứ không tiêu thụ được làm dấy lên nhiều lo ngại về câu chuyện liên kết đứt đoạn từ sản xuất đến thị trường.
Phát biểu tại tọa đàm sáng nay, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, câu chuyện về dưa hấu, hành tím thời gian qua cho thấy, các giải pháp điều hành của nước ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
“Xưa nay, Bộ NN&PTNT với thế mạnh của mình chỉ tập trung vào sản lượng, tính bằng tấn. Bộ Công thương chỉ tập trung vào tiêu thụ, tính bằng tỷ USD. Còn DN thì chỉ tính tới lợi nhuận. Cả ba nhóm chỉ tiêu này cần có sự thống nhất với nhau thì mới tránh được bất cập, gây khó khăn cho nhau. Nếu Bộ NN&PTNT ồ ạt tăng sản xuất mà Bộ Công thương và DN chưa tìm được thị trường thì càng khó khăn”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc phối hợp giữa các bộ, ngành hiện nay rất kém. Do đó, ông Dũng đề xuất, nên chuyển luôn nhiệm vụ tiêu thụ nông sản sang Bộ NN&PTNT.
“Thứ nhất, nên chuyển về hết một Bộ vừa sản xuất, vừa lo bán hàng, không nên để một Bộ sản xuất, một Bộ đi bán như hiện nay. Bộ NN&PTNT cũng phải có bộ phận xúc tiến tiêu thụ nông sản. Hiện nay, cán bộ phụ trách vấn đề này của Bộ NN&PTNT quá mỏng, chúng tôi gọi đùa là “Cục Sọ Dừa”, bởi chỉ có “mặt” mà không có chân, tay. Thứ hai, phải phân công lại trách nhiệm của bộ máy, Bộ Công thương không phải là người đi bán dưa hấu, bán gạo”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác tổ chức sản xuất và gắn kết thị trường là trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành.
Thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã có sự phối hợp trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do sự rạch ròi về nhiệm vụ, cộng thêm việc thiếu quy hoạch tổng thể nên đã xảy ra tình trạng đứt đoạn thông tin ở một số khâu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, sự đứt doạn này không phải giữa bộ ngành với nhau mà chủ yếu là đứt đoạn giữa bộ ngành với địa phương trong kiểm tra thực hiện quy hoạch và sự đứt đoạn, thiếu liên kết giữa chính quyền với DN, nông dân.
Liên quan đến câu chuyện tiêu thụ nông sản, trong đó có việc Bộ Công thương bán dưa giúp nông dân, Thứ trưởng cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Công thương không phải là đi bán từng sản phẩm cụ thể, song giúp người dân tiêu thụ sản phẩm cũng là một trong những trách nhiệm của Bộ Công thương. Thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp với nhau để giúp người dân tiêu thụ nông sản, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn.
Thứ trưởng cũng cho rằng, khâu yếu của tiêu thụ nông sản hiện nay là thiếu liên kết giữa DN với người nông dân, phụ thuộc vào thương lái. Đây cũng là hệ quả của vịêc phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, không thể yêu cầu các tỉnh, các huyện ra lệnh cho người nông dân phải trồng theo quy hoạch mà phải hướng dẫn bà con về thị trường, giống, kỹ thuật canh tác, liên kết với DN bao tiêu sản phẩm…
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo