Thứ trưởng Bộ Giáo dục bật mí về kỳ thi 2014
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển vừa bật mí những thay đổi lớn trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2014 và lộ trình về đổi mới căn bản giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Xung quanh vấn đề này, trước thềm năm mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời phỏng vấn trên VTV, nội dung sau:
PV: Thưa Thứ trưởng, đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá được coi là khâu then chốt để nếu bấm nút vận hành thì sẽ giúp thay đổi toàn hệ thống. Vậy Bộ GD&ĐT sẽ bấm nút vận hành này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khi chúng ta thay đổi nền giáo dục từ mục tiêu trang bị kiến thức cho người học sang mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học thì việc thi cử, kiểm tra, đánh giá cũng phải hướng theo mục tiêu đó.
Nghĩa là ta chuyển từ việc hỏi học sinh những nội dung mà các em phải học thuộc sang hỏi những nội dung mà các em phải vận dụng kiến thức vào việc phát hiện, giải quyết những vấn đề trong thực tiễn và trong cuộc sống học tập của mình.
Chúng ta cũng cần phân hóa học sinh, định hướng nghề nghiệp sau THPT, do đó kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng theo định hướng này. Theo đó, sẽ có những môn học học sinh được tự chọn để thi, không phải thi tất cả các môn giống nhau.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT chủ trương hai môn công cụ là môn Toán và môn Văn - học sinh thi bắt buộc; còn các môn khác học sinh sẽ thi 2 môn theo nguyện vọng của mình – nghĩa là tiếp cận nghề nghiệp của các em, tiếp cận với việc các em sẽ thi ĐH như thế nào, học ngành nào.
PV: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và những năm tiếp theo, có một số ý kiến cho rằng việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải gắn liền với thi và tuyển sinh ĐH, CĐ. Vậy ý kiến của Bộ GD&ĐT là như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng như vậy. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tạo điều kiện cho thi tuyển sinh ĐH, CĐ có cơ sở để tuyến, xét tuyển hoặc thi tuyển.
Tuy nhiên, hiện việc đồng bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH đang ở bước đầu. Chúng ta sẽ hoàn thiện hơn, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện và các em học sinh được học theo chương trình này.
Chúng ta sẽ có thi những môn bắt buộc, có nhiều môn thi tự chọn; kết quả học sinh học tập trong suốt những năm học phổ thông cũng sẽ được sử dụng cho việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
PV: Việc lấy ý kiến của dư luận về Dự thảo này sẽ kéo dài đến khi nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện có rất nhiều ý kiến góp ý cho Bộ GD&ĐT. Chúng tôi thấy rằng các ý kiến đều đồng tình với phương án Bộ GD&ĐT đưa ra.
Với môn Ngoại ngữ có hai luồng ý kiến. Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến này đều hướng tới muốn tăng cường chất lượng dạy và học Ngoại ngữ.
Nếu chúng ta thi như hiện nay thì có tác động giúp cho học sinh và giáo viên tích cực dạy và học Ngoại ngữ. Tuy nhiên, với cách dạy, nội dung dạy, năng lực dạy như hiện tại thì thi như hiện nay chưa thực sự tác động trở lại nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ.
Chính bởi vậy, Bộ GD&ĐT đang cân nhắc việc này. Nếu chưa thi thì chính là để tạo điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai chương trình mới và việc kiểm tra, đánh giá theo phương pháp mới.
PV: Thưa Thứ trưởng, ngoài công tác đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai những trọng tâm nào trong năm 2014 và những năm tiếp theo để thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Với giáo dục phổ thông, đã có nhiều việc chúng ta đang triển khai theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 8, những việc đó sẽ tiếp tục được tiến hành.
Có một trọng tâm lớn, đó là Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.
Đề án đã được trình lên Chính phủ. Sau Đề án, sẽ xây dựng chương trình tổng thể. Sau chương trình tổng thể sẽ có chương trình của các bộ môn, các hoạt động giáo dục khi triển khai chương trình mới - theo yêu cầu của Đề án.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hai phương án thi tốt nghiệp
Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Với phương án này, thí sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 môn khác là tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.
Với phương án này, thí sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; dự kiến: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 trở lên được cộng 1,0 điểm.
Theo dự kiến, Bộ GD& ĐT sẽ công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vào giữa tháng 2/2014.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo