Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore
Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 diễn ra từ ngày 29-31/5 với sáu phiên thảo luận về các chủ đề: Mỹ và các thách thức an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác an ninh tại châu Á; Ngăn chặn leo thang xung đột; Vai trò của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Tăng cường trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến ba chủ đề lớn, đó là cán cân quyền lực giữa các cường quốc trong khu vực, cơ chế hợp tác khu vực và vấn đề khủng bố.
Ông Lý Hiển Long cho rằng, cán cân chiến lược ở châu Á đang thay đổi và quan hệ Mỹ-Trung Quốc chính là chìa khóa cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc trong khuôn khổ trật tự quốc tế. Tcả các nước châu Á đều mong muốn quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ tích cực. Theo ông, sự cạnh tranh giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi, song vấn đề là cạnh tranh dưới hình thức nào, có mang lại lợi ích cho các bên hay có nguy cơ để xảy ra kịch bản xấu.
Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải với tuyến đường vận tải biển quan trọng đi qua Biển Đông hiện nay, đồng thời cảnh báo căng thẳng tiếp diễn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả xấu. Qua đó, ông kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm nhất có thể để phá vỡ vòng luẩn quẩn hiện nay và không để tranh chấp làm hỏng mối quan hệ lớn hơn.
Ông Lý Hiển Long khẳng định kết quả tốt nhất là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Theo ông, trong dài hạn, trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì chỉ bởi một siêu cường duy nhất, mà đòi hỏi phải được cộng đồng quốc tế nhất trí và công nhận.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người Rohingya và Bangladesh hiện nay, nhấn mạnh mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức cực đoan đối với sự ổn định và an ninh khu vực.
Thủ tướng Singapore bày tỏ hy vọng trong tương lai, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục là các cường quốc trong khu vực, trong khi Ấn Độ sẽ có một vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không phải là nơi "kẻ mạnh luôn đúng và có thể làm bất kì điều gì họ muốn," mà là "một thế giới nơi luật pháp và sự can dự mang tính xây dựng sẽ là nguyên tắc quốc tế, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cạnh tranh hòa bình để có cơ hội phát triển thịnh vượng."
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé