Thứ trưởng GTVT: Quyết CP hóa Vinalines thành công
Sẽ hoạt động hiệu quả hơn sau tái cơ cấu
Trong cuộc họp mới đây về cổ phần hóa, TGĐ của Vinalines kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy. Là Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines, ông đánh giá thế nào về đề xuất loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp này của Vinalines?
Đối với các tài sản không cần dùng, tài sản khai thác không hiệu quả, chờ thanh lý, theo quy định hiện hành, các tài sản này được xử lý trước thời điểm xác định giá trị DN hoặc bàn giao cho công ty mua bán nợ để xử lý.
Tuy nhiên, nếu thực hiện xong tất cả các nội dung trên mới thực hiện việc xác định giá trị DN thì tiến độ CP hóa sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Để đẩy nhanh lộ trình CP hóa các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đồng thời, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động trong DN, Vinalines đã báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng chính phủ cho phép thống nhất với các tổ chức tín dụng để xử lý tài sản song song với quá trình xác định giá trị DN trên nguyên tắc công khai minh bạch.
Theo phương án này, Vinalines sẽ phải phối hợp với công ty mua bán nợ và tổ chức tín dụng để triển khai bán, thanh lý tài sản để các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm áp lực trả nợ của Vinalines.
Đối với các tài sản dở dang sẽ xử lý theo hai hướng: hoàn thiện và đưa vào sử dụng có hiệu quả hoặc thực hiện thanh lý nếu dự án không khả thi.
Các giải pháp trong quá trình tái cơ cấu, CP hóa DN để tạo điều kiện cho DN lành mạnh hóa tài chính, có cơ cấu lao động phù hợp, các tài sản, phương tiện, thiết bị phát huy được năng lực khai thác.
Các DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn sau khi thực hiện tái cơ cấu, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động trong DN, có khả năng thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, tạo điều kinn DN phát triển và đóng góp nhiều hơn cho XH.
Đây chính là một trong những mục đích của việc CP hóa các DNNN, và hưởng lợi từ những DN này là cả XH chứ không phải riêng Vinalines hay bất kỳ một DN nào.
Thưa ông, giả định trường hợp đề xuất của Vinalines được chấp thuận, tài sản gồm 5 con tàu, và chi phí xây dựng cơ bản của 4 tàu đang đóng dở sẽ nằm ở đâu và thuộc về ai?
Các tài sản sẽ được Vinalines, các tổ chức tín dụng và Công ty mua bán nợ thống nhất phương án xử lý (bán, thanh lý, chuyển chủ đầu tư...) theo đúng giá trị của thị trường trên cơ sở kết quả của tổ chức tư vấn thẩm định giá theo quy định pháp luật.
Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về việc bán tài sản dưới giá vốn, là người đứng đầu trong việc chỉ đạo tái cơ cấu, đã bao giờ ông nghĩ đến giả thiết, nếu đồng tình với đề xuất trên của Vinalines thì sẽ tạo một tiền lệ xấu trong việc tái cơ cấu các DNNN hay không?
Việc bán, thanh lý các tài sản sẽ được thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục pháp luật quy định trên nguyên tắc giá thị trường tại thời điểm bán, thanh lý, chuyển giao tài sản.
Đối với những tài sản không còn phù hợp, không phát huy năng suất khai thác, khai thác không hiệu quả, DN sẽ phân tích, so sánh và lựa chọn phương án tiếp tục khai thác hoặc bán, thanh lý. Do vậy, việc mua, bán, thanh lý các tài sản là việc làm thường xuyên của các DN.
Khó khăn về giá cước vận tải biển
Được biết, hiện nay Vinalines con số nợ khoảng 56.000 tỷ đồng (bao gồm cả số nợ gần 20.000 tỷ của 5 đơn vị từ Vinashin chuyển sang). Theo đánh giá của ông, khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu Vinalines hiện nay là gì? Tiến độ CP hóa Vinalines hiện nay như thế nào?
Thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinalines đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong đó có kế hoạch CP hóa các đơn vị thành viên và Công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải VN. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Vinalines thực hiện CP hóa các DN cảng biển còn lại và Công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải VN.
Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty, theo kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành việc xác định giá trị DN, xây dựng phương án CP hóa trình Thủ tướng CP phê duyệt trong năm 2014; quý I/2015 sẽ thực hiện bán CP lần đầu (IPO).
Theo báo cáo, số liệu tài chính tại thời điểm 31/12/2013 của Công ty mẹ - Tổng công ty như sau: Tổng tài sản 17.845; nợ phải trả 12.819 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 5.026 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai các bước CP hóa, tổ chức tư vấn xác định giá trị DN sẽ thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ tài sản DN, nợ phải trả và vốn nhà nước tại DN trên nguyên tắc giá thị trường, lúc đó, các chỉ tiêu trên có thể thay đổi tăng hoặc giảm.
Khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu Vinalines đó là diễn biến về giá cước thị trường vận tải biển, hiện nay giá cước vận tải biển thế giới đang suy giảm rất sâu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vận tải biển đang rất khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào sự hồi phục của thị trường vận tải biển TG.
Bên cạnh đó, kết quả của việc đàm phán, tái cơ cấu nợ với các tổ chức tín dụng cũng rất quan trọng đối với các DN vận tải biển của Vinalines. Nếu cơ cấu nợ tốt sẽ giúp DN này giãn nợ, giảm áp lực trả nợ, giảm lãi vay, giảm chi phí tài chính phát sinh, giảm lỗ và có thể tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều người nhận định, đang có một xu hướng xin ưu đãi để… tái cơ cấu. Điều này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không, thưa ông?
Trong thời gian qua, do những biến động bất lợi của kinh tế TG đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, để ứng phó kịp thời, chính phủ đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, có hiệu quả tháo gỡ những khó khăn cho DN trên tất cả các lĩnh vực.
Những giải pháp đó đã đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế, trong đó có các DN, lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm, tốc độ tăng trưởng dần dần phục hồi, ổn định.
Rất nhiều các DN đã phục hồi, thoát khỏi tình trạng đóng cửa, phá sản. Với Bộ GTVT, SBIC (trước đây là Vinashin), Vinalines là hai DN khó khăn nhất, chịu ảnh hưởng nhiều nhất của suy thoái kinh tế, đặc biệt là ngành vận tải biển và đóng tàu.
Được sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã thực hiện tái cơ cấu, CP hóa 10 Công ty mẹ - Tổng công ty lớn.
Các DN này hiện nay đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình tài chính được cải thiện, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm.
Đây chính là kết quả minh chứng trong quá trình tái cơ cấu, CP hóa các DNNN, thực hiện chủ trương đứng đắn của Đảng và Chính phủ trong công tác CP hóa DN. Đây cũng chính là một trong những mục đích của việc tái cơ cấu, CP hóa các DNNN, DN phát triển sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Như vậy, hưởng lợi từ những DN này chính là nhà nước và toàn XH.
Quyết CP hóa Vinalines thành công
Nhiều chuyên gia cho rằng rơi vào tình trạng thua lỗ như hiện nay là do Vinalines có quá trình đầu tư quá ồ ạt, nóng vội nên mới dẫn đến hệ quả này. Quan điểm của ông ra sao?
Kết quả kinh doanh thu lỗ của Vinalines ( chủ yếu là lĩnh vực kinh doanh vận tải biển) có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất chính là thị trường. Từ đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế TG đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến phát triển ngành hàng hải.
Thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng; giá cước vận tải giảm mạnh, đặc biệt là giá cước thuê tàu chở hàng khô giảm đến 90%/. Tình hình trên làm cho ngành vận tải biển TG gặp nhiều khó khăn, hầu hết các tập đoàn vận tải biển lớn bị thua lỗ và phải thu hẹp hoạt động.
Cũng như các tập đoàn vận tải lớn trên TG, thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng đã tác động mạnh đến hoạt động của Tổng công ty hàng hải VN.
Chỉ số BDI ngày 20/5/2008 là 11.793 điểm, đến tháng 12/2008 còn 663 điểm và hiện nay là khoảng trên dưới 2000 điểm. Trong khi trên 80% trọng tải đội tàu của Tổng công ty là tàu chở hàng khô, cùng với giá xăng dầu, lãi vay tăng làm chi phí vận tải tăng cao đã làm cho hoạt động của Tổng công ty rất khó khăn, thua lỗ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn thị trường bắt đầu suy giảm, do những nhận định, dự báo về thị trường không tốt, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư một số tàu, ngay khi thị trường vận tải biển xuống thấp, thị trường tài chính lại khủng hoảng, lãi suất tăng mạnh, các tổ chức tiến hành cơ cấu lại các khoản vay, danh mục đầu tư.
Do vậy, các DN vận tải biển tiếp tục lại càng khó khăn, giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí đầu tư cao, lãi suất tăng, chi phí khai thác tăng đã dẫn đến nhiều DN lâm vào tình trạng phá sản, điển hình là Vinalines.
Ông đánh giá như thế nào về tiến trình tái cơ cấu, CPH Vinalines, liệu công tác tái cơ cấu, CPH Vinalines có về đích đúng hẹn không, thưa ông?
Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của các Bộ, ngành có liên quan, Ban cán sự Bộ GTVT đã xác định việc tái cơ cấu, CP hóa các DN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Bộ.
Do vậy, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với Vinalines để thực hiện thành công kế hoạch, tiến độ CP hóa Công ty mẹ - Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực của Bộ GTVT, sự đồng lòng, quyết tâm của Tập thể Đảng ủy, Công đoàn, Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động của Tổng công ty Hàng hải VN, kế hoạch CP hóa Vinalines sẽ về đích đúng hẹn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo