Tin tức - Sự kiện

Thủ tục hành chính giảm nhưng vẫn như “thiên la địa võng”

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) năm 2014 về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên môi trường hôm qua (25/6), nhiều ý kiến kêu TTHC dù được cắt giảm, nhưng vẫn còn gây khó dễ cho DN, nhất là vướng mắc đất đai. Cần minh bạch hóa để giảm sự nhũng nhiễu, lộng quyền.

Doanh nghiệp, người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Doanh nghiệp xoay như chong chóng

 
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest), hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, than rằng: “TTHC đang làm chậm quá trình đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài vào, nhưng họ thấy như thiên la địa võng”. Ông kể, khi ông phát triển dự án ở TP Hà Nội phải qua một cuộc “vượt cạn”, xoay như chong chóng vì thủ tục.
 
Đầu tiên, phải xin chủ trương đầu tư của thành phố, nhưng thành phố phải chờ ý kiến các sở ban ngành, nếu không vướng gì mới chấp thuận. Sau đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư thực hiện bước chấp thuận đầu tư, và cũng hỏi đủ vòng, từ Sở Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng.
 
Liên quan trường học, phải hỏi thêm Sở Giáo dục & Đào tạo, đền chùa phải hỏi Sở VH-TT&DL... với tổng cộng tới 6 sở ngành. Có ý kiến của 6 sở, Sở Kế hoạch & Đầu tư mới chuyển lên UBND thành phố ra quyết định chấp thuận đầu tư.
 
Tiếp đó, khoảng 40 ngày sau khi chấp thuận đầu tư, là giai đoạn làm giấy chứng nhận đầu tư, cũng do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp. Thế nhưng, Sở này lại tiếp tục hỏi đúng 6 sở vừa có ý kiến xong.
 
Cái này phải một tháng, tháng rưỡi nữa, lại mất thời gian. Chưa hết, khi có chứng nhận đầu tư, phải đến “cửa” Sở Quy hoạch kiến trúc để xin giấy phép quy hoạch. Và rồi, sở này cũng phải xin ý kiến “đủ mâm” với 6 sở còn lại.
 
Doanh nghiệp, người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
 
Sau khi có quy hoạch, cắm được mốc giới, DN mới làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, và cũng phải chờ ý kiến 6 sở ngành đã nói.
 
Sau đó, mới quay về để có được quyết định giao đất lại tiếp tục lấy ý kiến tiếp. Cuối cùng mới có được giấy phép xây dựng. Ông Hiệp nói: “Chưa kể, đất đai liên quan đến phường. Khi lấy đất phải làm việc tổ dân phố, dân đồng tình mới làm được. Như thế, làm sao ông nước ngoài vào đầu tư được”.
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, kết quả về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (Mei) năm 2012 cho thấy, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạt điểm trung bình thấp.
 
Ngoài ra, số liệu điều tra chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cũng cho thấy, Tài nguyên Môi trường là cơ quan thanh tra DN thường xuyên, đứng thứ 4 (thuế, quản lý thị trường, phòng chống cháy nổ), nhưng lại là lĩnh vực các DN gặp khó khăn nhất khi thực hiện TTHC.
 
Theo ông Tuấn, cứ 14 DN thì một DN bị thanh, kiểm tra về Tài nguyên Môi trường. Trong khi đó, năm vừa qua, tới 55% DN được khảo sát gặp khó khăn trong TTHC về đất đai, và đáng lo ngại hơn, tỷ lệ này tăng từ năm 2010 lại đây. DN kêu nhất về thủ tục thuê, mua đất đai, quy hoạch đất của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của DN, chậm giải phóng mặt bằng...
 
“Ở các diễn đàn cấp tỉnh, khi nói về giải phóng mặt bằng, DN và kể cả lãnh đạo tỉnh cũng ngán ngẩm. Có ông phó chủ tịch tỉnh nói, ông ta phải mất 50% thời gian chỉ để giải quyết về giải phóng mặt bằng”- ông Tuấn nói.
 
Nhiều DN cũng than phiền về thủ tục đánh giá tác động môi trường còn mang tính hình thức, chưa thực chất; TTHC liên quan đến chất thải, phế liệu... còn bất cập, cần sửa đổi.
 
Tăng minh bạch, giảm lộng quyền
 
Theo Bộ TN&MT, dù đã có cải thiện về TTHC của ngành, nhưng 4 lĩnh vực còn “nút thắt” nhạy cảm, gây bức xúc cho người dân, DN nhất thời gian qua là đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.
 
Về khoáng sản, ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (Code) cho biết, việc giảm từ 52 còn 34 TTHC là một bước cải thiện, nhưng nếu tính toán, có thể rút bớt nữa.
 
“Ở ta, ông nào thăm dò, gần như mặc định ông đó khai thác. Gần như không ai bỏ tiền ra thăm dò rồi không khai thác cả. Do vậy, nếu làm thủ tục cấp từng loại giấy một, gần như là hình thức”- ông Tú nói.
 
Ông Tú cũng cho rằng, tính minh bạch là quan trọng nhất. Một trong những điểm mới Luật Khoáng sản 2010, là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cũng làm chưa tới nơi. Vì mỏ không qua đấu giá, quyền khai thác khoáng sản rất mơ hồ.
 
Lãnh đạo viện Code cho hay, việc giám sát sản lượng khai thác, thu thuế dựa trên sản lượng DN khai báo cũng tạo ra lỗ hổng.
 
“Hiện hằng năm chúng ta chạy theo DN xem họ báo cáo khai thác được bao nhiêu. Tôi tin con số DN không báo cáo sẽ rất nhiều. Làm thế nào để giám sát được số lượng DN đã khai thác? Hay như việc tham gia vào tổ chức sáng kiến EITI để làm minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, Việt Nam còn chậm trễ”- ông Tú nói.
 
Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là chuyện bàn rất lâu rồi, nhưng chưa giải quyết được. “Ai là chủ nhân của thủ tục hành chính mà ghê thế?
 
Việc này, phải nói rõ từng chủ nhân một, từ chủ nhân to đến bé mới giải quyết được. Thủ tục hành chính và tính minh bạch phải là hai ông bạn đồng hành với nhau nếu không sẽ khó cải thiện”.
 
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, để hạn chế tham nhũng, cần minh bạch hóa TTHC. Theo vị này, nhiều quy định về cải cách TTHC đưa ra, nhưng không thực hiện được, vì liên quan đến cán bộ nhà nước.
 
“Nhóm tư vấn đã hỏi về chính sách đền bù đất đai của nhà nước ở những nơi khảo sát, nhưng đến 1/3 số cán bộ không cung cấp thông tin, cho rằng là thông tin mật, hoặc vì lí do nào đó. Ở đây còn là thái độ làm việc. Cần phải cung cấp rõ thông tin cho người dân, DN, và giám sát chặt việc thực hiện này”- đại diện WB nói.
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo