Thị trường

Thủ tục thuế và hải quan vẫn còn vướng mắc

Ngày 30/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại với DN năm 2014 nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục cũng như những chính sách về thuế và hải quan.

 Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, dù nền kinh tế tăng trưởng trong 9 tháng năm 2014 đạt 5,8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trong thời gian này, có tới 57.000 DN phải giải thể, ngừng sản xuất do khó khăn về kinh doanh, trong khi số DN mới thành lập không nhiều. Chỉ có 29% DN làm ăn có lãi, số DN có giá trị gia tăng thông qua thuế quan chỉ chiếm 24%.

Tại Hội nghị, nhiều vướng mắc của DN đã được thẳng thắn nêu ra. Đó là những khó khăn trong "ma trận" của biểu thuế xuất nhập khẩu khiến cho DN và cơ quan hải quan không thống nhất trong việc áp mã… Nhiều DN "sợ" với cơ chế kiểm tra sau thông quan, thanh, kiểm tra DN, đặc biệt là xu hướng hình sự hóa khi giải quyết các sai sót của DN. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn chính sách thuế, hải quan mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn chưa được rõ ràng, khó hiểu dẫn tới việc các cục thuế, hải quan địa phương có những cách hiểu và vận dụng khác nhau; Thủ tục hành chính khai, nộp thuế đã được cắt giảm nhưng DN vẫn tốn nhiều thời gian vào công tác chuẩn bị hồ sơ khai, nộp thuế…
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, công tác đối thoại, giải quyết vướng mắc về lĩnh vực thuế và hải quan cho DN ở nhiều địa phương hiện chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã tiếp nhận các vướng mắc, khó khăn của DN thông qua hệ thống điện tử tại Cổng thông tin của Bộ, của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xúc tiến việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung nhằm công khai trả lời các kiến nghị của DN. Đây được xem là bước cải tiến mạnh mẽ, cụ thể những cam kết từ phía Bộ Tài chính.
 
Hiện, Bộ Tài chính đã có bản dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuế. Các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu là các chính sách dài hạn, điều chỉnh nội dung của nhiều luật thuế như: Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế... nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính: Thực hiện những chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông thôn; Tạo điều kiện cho DN trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan…
Theo Kinh tế & đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo