Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: Các nước nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh

"Bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình, hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Á - Âu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh IT)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ tại phiên họp về tăng cường đối thoại, hợp tác Á-Âu và tương lai ASEM.

Thủ tướng cho biết: Trong năm 2014, bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ… diễn biến rất phức tạp và quy mô lan rộng. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn. Lòng tin giữa nhiều quốc gia bị suy giảm. Các nước vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

“Đúng 100 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và gần 70 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình, hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng cho rằng, để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, chúng ta cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Theo đó, chúng ta cần tiếp tục nâng cao vai trò và cùng nỗ lực củng cố các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu; tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa; góp phần hình thành một cấu trúc an ninh bền vững, minh bạch, có khả năng đáp ứng thay đổi của tình hình, và bảo đảm lợi ích của tất cả các quốc gia. 

Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, môi trường hòa bình, an ninh và phát triển đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về những diễn biến nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế gần đây tại Biển Đông - mà tất cả các quý vị đều biết.

“Việt Nam luôn kiên định và nhất quán cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Là một dân tộc chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh ngoại xâm, Việt Nam nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục cùng các thành viên ASEM đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Đông Nam Á cũng như ở hai châu lục Á-Âu và trên toàn thế giới.

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo