Thủ tướng chỉ thị việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách
Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013.
Khẩn trương trình phương án tái cơ cấu
Theo đó, để phấn đấu đạt mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2013 theo dự toán đã được Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và dự toán thu ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, trước 30-6-2013, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải tập trung hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án đã được phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cả năm 2013; triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp giải quyết hàng tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ…
Kịp thời miễn, giảm, giãn thuế
Riêng đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện kịp thời việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và khoản thu ngân sách Nhà nước cho một số đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân theo Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích đầu tư, sản xuất – kinh doanh trong nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vừa động viên hợp lý nguồn thu; tiếp tục điều hành giá xăng dầu, điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước; công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Về công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế…; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và dự phòng ngân sách địa phương đối với số vốn đầu tư và kinh phí chi đã giao trong dự toán năm 2013 nhưng đến 30-6-2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định; vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2013 đã phân bổ cho các dự án nhưng đến ngày 30-6-2013 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai quy định.
Việc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển cũng được Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Thủ tướng yêu cầu hạn chế việc kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2013 sang năm 2014, đồng thời, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn đầu tư cho các dự án, kể cả vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Tiết kiệm chi 10%
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm cùng với cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…
Trên cơ sở đó, xác định cụ thể số tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên của những tháng cuối năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2013.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo