Thủ tướng đề xuất 2 sáng kiến “đắt” tại Hội nghị Thượng đỉnh G7
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc có cuộc trao đổi với báo giới cụ thể về việc này.
- Xin Thứ trưởng cho biết thành công đạt được trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ hai và thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?-
- Có thể nói ngắn gọn là “Ba trong một” – 3 kết quả nổi bật trong 1 chuyến công tác.
Một là, Hội nghị G7 mở rộng lần này là một trong những hội nghị quan trọng của G7 trong năm 2018 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G7 và 12 nước khách mời và các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, WB, IMF, OECD. Châu Á chỉ có Việt Nam và Bangladesh được mời, điều đó thể hiện các nước G7 và chủ nhà Canada coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam.
Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã có 14 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế để tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, tranh thủ các nước, tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hưởng ứng và tham dự Hội nghị WEF - ASEAN tại Việt Nam vào tháng 9/2018…
Ba là, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11/2017, chuyến thăm làm việc tại Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm thực chất với Thủ tướng Canada Justin Trudeau... Lãnh đạo hai nước khẳng định chính sách coi trọng nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình, mong muốn phát triển mạnh mẽ quan hệ Đối tác toàn diện.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chính trị ngoại giao, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân cũng như tăng cường hợp tác chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
- Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, việc này cho thấy quốc tế thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam với vị thế ngày càng cao, thưa Thứ trưởng?
- Cùng với việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 và tổ chức thành công Năm APEC 2017, việc một lần nữa Việt Nam được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 cho thấy quốc tế thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực và đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề chung của quốc tế như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường biển, bình đẳng giới…
Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Canada mời Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 còn là một minh chứng thể hiện quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Canada được thiết lập từ tháng 11/2017 đang phát triển rất tích cực
Điều này cũng cho thấy Canada thực sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, kỳ vọng Việt Nam trên tinh thần quan hệ Đối tác toàn diện tiếp tục phối hợp, ủng hộ Canada tại các diễn dàn đa phương, đồng thời có tiếng nói và đóng góp tích cực vào giải quyết những vấn đề chung của quốc tế và khu vực.
- Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay là về biển và đại dương. Xin Thứ trưởng cho biết chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
- Biển và đại dương là vấn đề rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các quốc gia ven biển và của cả hành tinh chúng ta. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài và chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và thế giới, nơi có hàng chục triệu người dân sinh sống đang chịu nhiều tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn lan rộng. Do đó, chủ đề về biển và đại dương của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay không chỉ đáp ứng sự quan tâm chung của quốc tế, mà còn rất thiết thực đối với Việt Nam.
Việc Thủ tướng ta đã tích cực tham gia thảo luận vấn đề biển và đại dương tại Hội nghị đã khẳng định cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Chúng ta đã tranh thủ chủ đề này để vận động, thúc đẩy các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.
- Thông điệp và sáng kiến Việt Nam đưa ra về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển được Hội nghị đánh giá cao. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò và đóng góp của Đoàn Việt Nam, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần này?
- Chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, trong đó các nước phát triển như các nước G7 với ưu thế về kinh nghiệm, trình độ phát triển và công nghệ cần tăng cường hợp tác thực chất và hỗ trợ hiệu quả các nước đang phát triển trong việc thực hiện trách nhiệm chung này.
Với tinh thần đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hai sáng kiến rất có ý nghĩa và thiết thực, được lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế dự Hội nghị hoan nghênh và đánh giá tích cực. Điều này đã tạo dấu ấn của Việt Nam và cá nhân Thủ tướng tại Diễn đàn quan trọng này.
Thứ nhất, Thủ tướng các nước G7 xem xét thành lập một Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hai, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế thảo luận để tiến tới thiết lập một Cơ chế hợp tác toàn cầu về ngăn ngừa xả rác thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các nước và các tổ chức quốc tế dự Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa sẽ được nêu tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 6/2018.
Có thể nói những sáng kiến này thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả trong ứng phó biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển, thể hiện dấu ấn của Thủ tướng và góp phần quan trọng vào thành công của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam