Thủ tướng Italia: "Các quốc gia châu Âu có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với Nga"
Quan hệ giữa Nga và châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau những bất ổn tại miền Đông Ukraine. Chuyến công du Nga của Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho thấy mong muốn cải thiện các mối quan kinh tế song phương của ông. Các mối quan hệ giữa Nga và EU đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga cũng như các bước đi trả đũa từ phía Matx-cơ-va.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Italia Matteo Renzi tại Matx-cơ-va hôm 05/3/2015
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Renzi bày tỏ hi vọng rằng, một thỏa thuận hòa bình ký kết hôm 12/02 sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine và bình thường hóa các mối quan hệ. Ông Renzi nhấn mạnh rằng: "Hiện các quốc gia châu Âu có cơ hội để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga".
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ hi vọng rằng, thỏa thuận hòa bình Minsk sẽ phát huy tác dụng và tạo cơ hội cho một giải pháp hòa bình toàn diện, đồng thời là sự khởi đầu cho tiến trình đối thoại giữa chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở khu vực miền Đông.
Ông chủ điện Kremlin đã lên tiếng ca ngợi cuộc đối thoại chính trị tích cực với Italia, đồng thời khẳng định rằng, các mối quan hệ kinh tế song phương vẫn được duy trì ở mức cao dù bị tác động đáng kể bởi các lệnh trừng phạt của EU và Italia vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của Nga. Ông cho hay, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga và các đối tác của Italia đã nhất trí thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư của hai bên.
Tổng thống Putin cho biết: "Italia là một trong những đối tác được ưu tiên nhiều nhất tại châu Âu và thế giới. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nga và Italia được duy trì tốt, bất chấp một số thiệt hại liên quan đến những bất ổn chính trị".
Mỹ và EU tuyên bố có thể dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nếu Nga đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thỏa thuận hòa bình đạt được hôm 12/02, và sẽ sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt nếu Matx-cơ-va không thực hiện bước đi này. Phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và binh lính, tuy nhiên Matx-cơ-va bác bỏ cáo buộc này.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây, cộng với giá dầu thế giới lao dốc, đã đẩy kinh tế Nga vào tình trạng suy thoái trong năm nay, còn đồng rúp của Nga đã mất một nửa giá trị so với đô la Mỹ.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thực phẩm của phương Tây. Với bước đi này, Italia - nước xuất khẩu lượng thực phẩm lớn - bị chịu tác động mạnh mẽ. Italia cũng đã phải hứng chịu hậu quả lượng du khách Nga giảm mạnh do đồng rúp mất giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo