Thủ tướng: Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế để kìm lạm phát
Chủ trì phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm đạt tăng trưởng GDP năm 2018 6,7% và lạm phát dưới 4%. Qua nửa chặng đường năm 2018, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là GDP 6 tháng tăng 7,08%, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, lạm phát đang có chiều hướng tăng khi CPI 6 tháng đạt 3,29%. Báo cáo rõ hơn, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 và 6 lần lượt tăng 0,55% và 0,61%. "Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Trước sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để kìm CPI tăng dưới 4%. Với một số lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng khẳng định, không tăng giá điện, đủ điều kiện mới tăng giá dịch vụ y tế trong năm 2018.
Với tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm đạt kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7% năm 2018, trong đó GDP quý III cần đạt 6,53% và quý IV là 6,36%... "Đạt mục tiêu tăng trưởng vô cùng quan trọng để giảm nợ công, tăng thu ngân sách, tạo việc làm...", Thủ tướng nói, và nhắc lại tác động tích cực nhờ tăng trưởng cao năm 2017, mức 6,81%, quy mô nền kinh tế trên 5 triệu tỷ đồng đã giúp giảm nợ công từ 64%GDP xuống mức 61% GDP.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế nửa cuối năm 2018 sẽ phải đối diện với nhiều thách thức nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Trước tiên là nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu nửa cuối 2018 chưa rõ ràng như năm 2017.
Ông Dũng cho biết, năm 2017 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng đột phá với sự đóng góp đáng kể của 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn là Samsung và Formosa. Tuy nhiên, năm 2018 Nhà máy Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động trong quý II, nên yếu tố đột phá của các quý cuối năm 2018 là chưa rõ ràng. Nếu dự án lọc dầu Nghi Sơn kịp đưa vào hoạt động, dự kiến có thể có động lực đột phá. Do vậy, Bộ trưởng Dũng đề nghị, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động.
Đề cập tới căng thẳng chiến tranh thương mại đang có dấu hiệu lan rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, EU..., trưởng ngành kế hoạch đánh giá, đây sẽ là thách thức, cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Ông phân tích, khi không phải là đối tượng của cuộc chiến thương mại, Việt Nam có thể tận dụng để gia tăng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ.
Căng thẳng thương mại cũng sẽ là thách thức khi tác động đến kinh tế, thương mại toàn cầu, cạnh tranh gia tăng và gián tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, theo Thủ tướng, cần theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu, xây dựng các đối sách phù hợp để vừa tận dụng khi có cơ hội, vừa đối phó với các thách thức xảy ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, 6 tháng tới cần tập trung phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của thế giới.
Cùng với đó theo ông, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các dự án trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án thu phí tự động không dừng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ