Thủ tướng 'mách' hướng khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo Thủ tướng, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học nói riêng là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng, trong đó có Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, trong đó vấn đề việc làm nói chung và việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp luôn được chú trọng với quan điểm: bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo thông qua quy định hệ thống các tiêu chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên; thực hiện cơ chế đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với thị trường lao động.
Ngày 9/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó đối tượng thụ hưởng là người lao động Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (bao gồm sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học) thông qua các hình thức như hỗ trợ thanh niên lập nghiệp (định hướng về nghề nghiệp; cung cấp thông tin về việc làm và nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về tìm việc; tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức; khởi sự doanh nghiệp (cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan đến khởi sự doanh nghiệp; cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động thông qua hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Về giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng chưa tìm kiếm được việc làm, Thủ tướng nêu rõ, một trong những giải pháp căn cơ là phải tạo ra sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động để sinh viên khi tham gia học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học được đào tạo chuyên môn, ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động để khi ra trường có thể tìm kiếm được công việc phù hợp nhất với khả năng của mình, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo.
Do đó, trong thời gian tới Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh về công tác giáo dục, đào tạo, về thị trường lao động để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động. Triển khai công tác phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh giám sát công tác phân luồng, hướng nghiệp đào tạo, từng bước cân đối giữa cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề và đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Tổ chức sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế nhằm khắc phục, điều chỉnh Chiến lược và Quy hoạch trong giai đoạn tới; Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống thông tin, dự báo về nhu cầu nhân lực quốc gia đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh tế vĩ mô minh bạch, ổn định nhằm thu hút đầu tư, tạo ra nhiều việc làm mới. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài các giải pháp có tính chất lâu dài và căn cơ đã nêu ở trên. Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, trước mắt, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, hỗ trợ, khuyến khích người lao động (bao gồm cả sinh viên sau khi tốt nghiệp) chủ động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, bồi dưỡng nâng cao hoặc chuyển đổi lĩnh vực, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động theo tinh thần của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua các Trung tâm giới thiệu việc làm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước để đưa lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo