Thủ tướng: Mặt trận Tổ quốc cần tích cực tham gia kiểm soát quyền lực
Tham nhũng vẫn đáng sợ
Ngày 5/1, Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8, khoá VIII đã được tổ chức tại TPHCM.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch MTTQ Việt Nam, thông tin tới các đại biểu kết quả Hội nghị lần thứ 13 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VIII đã thành công tốt đẹp.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam khẳng định năm 2017, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của MTTQ Việt Nam. Thủ tướng đánh giá: “Tôi thấy rất rõ vai trò cán bộ Mặt trận ở cơ sở, phát huy rất tốt. Các đồng chí nói là dân tin, dân nghe”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Túc , Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội MTTQ Việt Nam, đề cập thẳng vào vấn đề trọng tâm là công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo ông, qua công tác giám sát của Hội đồng cho thấy đây là vấn đề cả xã hội đang bức xúc. Ông nhấn mạnh đến nay chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được tham nhũng, lãng phí.
Ông nói: “Từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng bắt đầu ghi nhận sự đổi mới, Đại hội 7 bắt đầu xuất hiện “một số cán bộ có chức có quyền thoái hóa, biến chất”, đại hội 8 là “một bộ phận”, đại hội IX là “một bộ phận không nhỏ”, sang đến Đại hội X, chúng ta định bỏ chữ “ không nhỏ”... Chỉ có Mặt trận mới dám nói trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ được chữ “không nhỏ” vì tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi hơn”.
Ông cho biết, thời gian qua MTTQ Việt Nam đã ngày càng sát dân hơn, tiếp thu các thông tin tiêu cực do người dân và báo chí phát hiện, đồng hành đi đến cùng sự việc. Tuy nhiên, ông mong muốn công tác này thời gian tới phải được nhân rộng hơn và quyết liệt hơn.
Ông nói: “Mặt trận phải giữ chữ tín trong công việc của mình. Chữ tín trong vận động, chăm lo cho công tác an sinh xã hội, chữ tín trong phòng chống tham nhũng”.
Kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội
Ý kiến của ông Nguyễn Túc được nhiều đại biểu đồng tình. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường MTTQ Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi thấy Đảng và nhà nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn.
Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại: “Nhân dân vừa phấn khởi khi thấy Đảng và Chính quyền ra tay diệt trừ tham nhũng. Nhưng lại vừa hoang mang khi thấy vì sao ngày càng nhiều đến thế việc phát hiện các vụ án lớn và phần lớn liên quan đến cán bộ có chức, có quyền ở trung ương và địa phương”.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, người từng có 1 thời gian đảm nhận vị trí đứng đầu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhìn nhận giám sát là 1 trách nhiệm nặng nề của tổ chức MTTQ. Tuy nhiên, theo ông thì MTTQ phải đương đầu với khó khăn để thực hiện vai trò giám sát thông qua nhân dân, kiểm soát quyền lực để đấu tranh với các thế lực tham nhũng.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên mà Đảng bộ, nhân dân TPHCM thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Trong đó, Thành uỷ TPHCM đã chỉ đạo MTTQ Việt Nam thành phố tăng cường công tác giám sát, phản biện các đề án, kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo các chính sách mới giúp quản lý xã hội tốt hơn, phát triển mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, Thành ủy TPHCM cũng đã ban hành Quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật. MTTQ TP được giao nhiệm vụ xử lý các thông tin phản ánh trên thông qua 4 kênh tiếp nhận là: giám sát, tiếp xúc cử tri, ý kiến của báo chí và người dân.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chính vì thế, nhiệm vụ của MTTQ thành phố trong thời gian tới là rất nặng nề, cần phải thật sự nỗ lực, phát huy vai trò giám sát của mình và của nhân dân, phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “MTTQ cũng như Chính phủ đều lo cho dân, cùng mục tiêu vì dân. Mà vì dân thì phải làm cái gì thiết thực cho người dân. Giám sát là việc cần thiết để xây dựng hệ thống chúng ta tốt hơn để lo cho dân”.
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận 1 văn kiện quan trọng là Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018–2020. Điều này thể hiện quyết tâm kiểm soát quyền lực thông qua “tai của dân, mắt của dân”, phát huy dân chủ của tổ chức này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoàn toàn ủng hộ chương trình này. Thủ tướng nhấn mạnh: “MTTQ phải là nơi mọi người dân có thể phản ánh, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024