Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dịch chuyển cầu Long Biên để bảo tồn là “chuyện lạ”
Tại phiên họp Chính phủ sáng 28.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ trưởng “không bàn phương án dỡ cầu Long Biên nữa”, bởi quan điểm của chính phủ phải giữ nguyên. Còn làm cây cầu mới ở chỗ nào thì cần bàn để tìm ra phương án có lợi nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quan điểm dịch chuyển cầu Long Biên đi chỗ khác để bảo tồn “nghe hơi lạ”, và không nên bàn đến. Theo người đứng đầu chính phủ, Pháp cũng đã bày tỏ mong muốn được góp phần tài trợ bảo tồn cầu Long Biên, để giữ nguyên cây cầu lịch sử này.
Thông điệp của Thủ tướng được đưa ra sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng dự án đường sắt đô thị 1 đang bị vướng bởi vị trí câu cầu xây dựng mới. Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng chủ trì họp với Hà Nội để có giải pháp xử lý, bởi đã có quá đủ “tranh cãi, hội thảo suốt mấy năm rồi”. Quan điểm của Bộ GTVT là thống nhất phương án xây một cây cầu mới cách 30 mét, mà ông Thăng cho rằng “Thủ tướng đã quyết và đồng ý”. Theo Bộ trưởng Thăng, phương án này sẽ giúp chi phí ít nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất. Chứ “nếu động đến Hà Nội, động đến giải phóng mặt bằng, không những tiền nhiều mà thực tế không giải phóng được” – ông Thăng nhận định.
“Về lý thuyết là 30 mét, sau này điều chỉnh trong khi làm. Còn nếu 186 mét sẽ không thể giải phóng được mặt bằng. Hàng nghìn hộ, phố cổ như thế giải phóng sao được, như thế là tắc” – Bộ trưởng GTVT kiên quyết.
Theo Bộ trưởng GTVT, phương án này sẽ không động gì đến cây cầu Long Biên. Ông Thăng cũng quan ngại về những “quan điểm bảo tồn bây giờ rất phức tạp”, lúng túng giữa việc bảo tồn theo cây cầu từ ngày xưa từ thời toàn quyền Doumer xây, hay là bảo tồn theo nguyên trạng hiện nay. Trong khi đó dự án đường sắt giao thông số 1 đã quá chậm. “Đề nghị Thủ tướng chủ trì theo phương án Thủ tướng đã quyết trước đây. Có văn bản rồi, sau đó Hà Nội đề nghị hội thảo lại, để rồi thành chuyện như vậy.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất Bộ GTVT và chính quyền Hà Nội cần ngồi làm việc với nhau, vì hiện mỗi bên một ý. “Cái chính là không biết Hà Nội muốn gì. Hà Nội hay thay đổi. Trước đây đề nghị phương án xây cách 30 mét. Sau không đồng ý vì lo làm mất kiến trúc cái cầu Long Biên, Hà Nội lại đề nghị đưa ra 186 mét. Thủ tướng duyệt, đưa ra triển khai thì Hà Nội lại bảo không được. Bây giờ quay lại về không, tức về vị trí đúng cầu cũ. Hay thay đổi thế nên giờ mới khó” – Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng không thể làm theo phương án cách 186m, vì không thể giải quyết được mặt bằng. Ông cũng khẳng định, Thủ tướng ủng hộ và đã quyết phương án 30m từ cách đây mấy năm trước, và giờ “phải triển khai thôi. Chứ ngồi mãi, ngồi mỏi cả chân, mà vẫn thế” – ông nói.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo