Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Gỡ vướng cho DN bằng việc làm cụ thể

(DNVN)-Sáng 27/5, tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm nay. Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến việc cần tháo gỡ những vấn đề vướng mắc để thúc đẩy phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, DN chứ không chỉ đơn thuần bằng ý chí, quyết tâm.

Mỗi giờ có thêm 10 doanh nghiệp mới
Theo báo cáo, tình hình phát triển doanh nghiệp 5 tháng đầu năm đang cải thiện tích cực và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hoạt động phát triển DN 5 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực: Số DN và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao hơn cùng kỳ, số DN trước gặp khó khăn nay quay lại hoạt động tăng. Trong khi đó, số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng số DN khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể cả nước trong 5 tháng đầu năm chỉ bằng 5% tổng số DN đang hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với thông lệ thị trường thế giới (khoảng 12-14%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 36.055 DN đăng ký thành lập mới (trung bình mỗi giờ có hơn 10 DN được thành lập) với tổng số vốn đăng ký 219.336 tỷ đồng, tăng 15,5% về số DN và tăng 26,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Có 7.404 DN trước gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Có 22.705 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước (tăng 20,5%), trong đó 94% là các DN có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng).

Số DN tạm ngừng hoạt động nhiều nhất là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm 38,7%, giảm 4,1% so với cùng kỳ; tiếp đến là lĩnh vực xây dựng chiếm 16%, giảm 6,5%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 13,5%, giảm 3,4%.

Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,7%), trong đó 93,1% là các DN có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng). Số DN giải thể nhiều nhất là trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm 39,4%, giảm 5,1% so với cùng kỳ; tiếp đến là lĩnh vực xây dựng chiếm 12,7%, tăng 10,5%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 12,3%, giảm 7,4%.

Cần gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bằng việc làm cụ thể

 

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ những vấn đề vướng mắc rất cụ thể về thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, DN chứ không chỉ đơn thuần bằng ý chí, quyết tâm.

“Cái gì đặt ra mà vướng, khổ cho dân, DN thì các đồng chí kiến nghị ra Chính phủ, tập thể Chính phủ bàn và quyết định, có lợi cho người dân, cho sự phát triển của đất nước thì chúng ta phải làm”, Thủ tướng nói. 

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các Bộ ngành, địa phương rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh; hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện...

Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển DN dân doanh phát triển mạnh mẽ hơn để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Thực hiện thí điểm hỗ trợ nâng cao năng lực toàn diện và tổ chức ươm tạo doanh nghiệp tại một số trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV), sớm đưa Quỹ Phát triển DNNVV đi vào hoạt động để có thể triển khai cho vay tới DNNVV.

 

Triển khai các hoạt động hỗ trợ thông tin, tập huấn cho các DN, đặc biệt là DNNVV về Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hoặc đang đàm phán ký kết, để các DN chủ động khai thác những lợi thế và giảm thiểu các tác động bất lợi do các hiệp định này mang lại.

Ngoài ra, cần điều hành linh hoạt và hiệu quả những công cụ chính sách tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.

NM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo