Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và lạm phát
(vov) Ngày 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nhằm đánh giá tình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần các biện pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế nhưng không được chủ quan để lạm phát cao quay trở lại và yếu tố hàng đầu vẫn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo và các ý kiến tại phiên họp: tháng 7 và tính chung 7 tháng qua, tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện trong các ngành và lĩnh vực.
Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiềm chế; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lãi suất giảm cùng nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế tiếp tục được triển khai đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng chuyển biến tích cực.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tương đối ổn định; xuất khẩu 7 tháng qua duy trì đà tăng trưởng cao với gần 73 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất cũng đang trên đà cải thiện...
Các thành viên Chính phủ cũng phân tích những khó khăn, thách thức nổi lên và đưa ra nhiều biện pháp ứng phó liên quan đến vấn đề mở rộng thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; kéo dài thời gian mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đến ngày 15/8; các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lạm phát cao trở lại trong những tháng cuối năm; nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tạo thuận lợi chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; các biện pháp tăng dư nợ tín dụng, tăng thu ngân sách nhà nước, giảm tai nạn giao thông và các loại tội phạm cũng như tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả và chống buôn lậu…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong cả năm nay là khả thi nhưng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay thì rất khó khăn. Mặc dù vậy Chính phủ vẫn kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra từ đầu năm và các Nghị quyết của Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt rà soát, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp kịp thời để quản lý, điều hành hiệu quả trên từng lĩnh vực mình phụ trách. Thủ tướng nêu rõ quan điểm tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và lạm phát, vừa góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Thủ tướng nhấn mạnh đến tập trung tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư là những biện pháp thiết thực nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau; tính toán đảm bảo vốn đối ứng để giải ngân vốn ODA gắn với chỉ đạo kiên quyết hoàn thành kế hoạch giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu.
Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, trong đó dứt khoát điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như: xăng, dầu, than, điện…theo thị trường. Riêng giá điện tính toán theo hướng nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo. Một lần nữa Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính và các địa phương đảm bảo cân đối ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách theo đúng dự toán trên tinh thần thu đúng, thu đủ với các biện pháp kiên quyết chống thất thu thuế; đồng thời vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chính sách miễn, giảm, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là về giá và thì trường tiêu thụ, kéo dài thời gian mua tạm trữ gạo để hoàn thành đúng trữ lượng; tháo gỡ khó khăn về thủ tục, cơ chế để phát triển nhanh nhà ở xã hội; kiên quyết triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công trên tinh thần quản lý chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào thoát nghèo nhanh, bền vững; khẩn trương rà soát các đối tượng chính sách nhưng chưa được công nhận và hưởng chế độ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có kết luận rõ ràng về các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine vừa qua và có biện pháp điều chỉnh phù hợp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp xử lý tình trạng quá tải tại các bệnh viện…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho báo chí nhằm định hướng đúng dư luận, tạo đồng thuận xã hội cùng chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm nay.
Thành Chung
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên