Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

Chiều ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Chiều ngày 23/7, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, trao đổi một số chính sách, giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Cuộc làm việc này theo Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương luôn chủ động thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương.

Sau Hội nghị về cách mạng công nghiệp 4.0 cách đây 2 tuần, cuộc làm việc hôm nay sẽ giúp Chính phủ có thêm thông tin nhiều chiều để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những bất trắc từ tác động bên ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô bao gồm: tỷ giá, lãi suất, dự trữ ngoại hối và lạm phát hiện nay đều tốt. Các định chế tài chính quốc tế cũng đánh giá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, nhưng với yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ không được chủ quan, nhất là trước những diễn gần đây của kinh tế và thương mại thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng cần có những không gian và động lực tăng trưởng mới, không chỉ cho từ nay đến cuối năm mà còn cho cả năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đều thẳng thắn, công phu và cơ bản đều có cùng nhận định về tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. Để thực hiện được phương châm Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phải có đủ thông tin, đúng tình hình để chủ động ứng phó, từ đó Thủ tướng mong muốn Ban Kinh tế Trung ương với nhiều chuyên gia giỏi sẽ đóng góp thêm các giải pháp cho Chính phủ về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, nhất là cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương đã bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước cũng như diễn biến kinh tế thế giới và khu vực để phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế thế giới về cơ bản có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là rủi ro đối với khu vực tài chính, tiền tệ, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu trong trung hạn có xu hướng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ kiên định với đường hướng và chính sách đã vạch ra, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn, lạm phát được kiểm soát, đi cùng với sức cầu nội địa duy trì được đà tăng khá cao. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được nhiều kết quả quan trọng bước đầu, rõ nét hơn là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Trong khi đó, tài chính - ngân sách nhà nước được củng cố và chuyển biến tích cực, nợ công được kiềm chế, thu chi ngân sách nhà nước được cơ cấu lại theo Nghị quyết số 07 năm 2016 của Bộ Chính trị.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Cán sự đảng Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, phân tích, đánh giá về một số vấn đề như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam; từ đó đưa ra một số chủ trương, giải pháp về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.

Nên đọc
Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo