Thủ tướng nói về tình trạng “nợ đọng” Nghị định, quyết định của Chính phủ
“Tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh đã diễn ra nhiều năm, tuy năm sau có tiến bộ hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm”.
Đây là một trong những nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trả lời các ĐBQH đã đặt câu hỏi tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vừa qua, nhưng do thời gian hạn hẹp nên Thủ tướng chưa thể trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng và ĐBQH Ngô Văn Minh cùng có chung nội dung chất vấn gửi tới Thủ tướng: Tình trạng nợ đọng các Nghị định, quyết định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu lực thi hành, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương của đất nước. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp của Chính phủ để khắc phục tình trạng này?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ và luôn coi việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng, ban hành các nghị định, quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ đều dành thời gian để làm nhiệm vụ này. Khi cần thiết, Chính phủ tổ chức họp phiên chuyên đề để thực hiện riêng nhiệm vụ này - để thảo luận về dự án luật, pháp lệnh, thảo luận về nghị định, quyết định để thi hành luật, pháp lệnh.
Tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh đã diễn ra nhiều năm, tuy năm sau có tiến bộ hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm. Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã tập trung sức khắc phục hạn chế yếu kém này. Đến cuối năm 2012, còn nợ 27 văn bản là nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Đây là một bước tiến bộ, là mức nợ thấp nhất so với 10 năm trước, nhưng vẫn còn là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém của Chính phủ.
Năm 2013, các luật và pháp lệnh có hiệu lực thi hành nhiều hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành tới 129 nghị định, quyết định quy định chi tiết thi hành 38 luật và pháp lệnh, tăng gấp đôi so với năm 2012. Riêng Luật xử phạt vi phạm hành chính phải ban hành tới 53 văn bản. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ này. Đến hôm qua (20/11/2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về nội dung bàn giao với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới Nguyễn Văn Nên) thì đã ban hành được 110, còn nợ 19 văn bản. Năm 2013 mặc dù số văn bản phải ban hành tăng gấp đôi nhưng chỉ còn nợ 19 văn bản (năm 2012 nợ 27 văn bản). Chúng tôi cố gắng phấn đấu tới cuối năm, còn hơn một tháng nữa, sẽ ban hành hầu hết những văn bản còn lại, trừ một số văn bản khó ban hành và chưa thật là cấp bách.
Mặt khác, về chất lượng văn bản, từng bước đã được nâng lên và đã có nhiều tiến bộ. Nhưng vẫn còn một số điều quy định khi ban hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khả thi. Tuy chỉ là một số rất ít so với nhiều quy định đã ban hành nhưng gây bức xúc như đại biểu đã nêu.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng và hạn chế về chất lượng văn bản, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo 4 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là kỷ luật kỷ cương thi hành pháp luật. Từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cho đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội theo chương trình và xây dựng, ban hành nghị định, quy định trong phạm vi được phân công phụ trách là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.
Thứ hai, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ chuyên trách am hiểu về pháp luật để tham mưu giúp cho đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản quy định pháp luật.
Thứ ba, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt những quy trình, thủ tục làm kéo dài thời gian ban hành văn bản nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.
Thứ tư, Điều hết sức quan trọng là phải xác định rõ tư tưởng chính sách và giải pháp chủ yếu để thực hiện trước khi soạn thảo xây dựng văn bản pháp quy. Không làm được điều này sẽ khó tạo được đồng thuận, thời gian sẽ kéo dài và chất lượng văn bản sẽ không cao.
Thủ tướng nhận định, với các giải pháp nêu trên và bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ này, Chính phủ sẽ phấn đấu không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh và chất lượng văn bản pháp quy cũng sẽ từng bước được nâng lên.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Cột tin quảng cáo